Tham dự hội thảo có Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM; chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội TPHCM; đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở VH-TT TPHCM, Ban Giám đốc và lãnh đạo Nhà Thiếu nhi Thành phố; các nhạc sĩ Trương Quang Lục, Văn Thành Nho, Trần Hữu Bích,…
Chủ trì hội thảo khoa học Âm nhạc Thiếu nhi ở TPHCM, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Thạc sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Hơn 10 năm qua, Hội Âm nhạc TPHCM rất chú trọng đẩy mạnh, phát huy chất lượng của hoạt động sáng tác các ca khúc thiếu nhi, tuổi hồng. Hội đã thực hiện trang Youtube Hội âm nhạc TP. Hồ Chí Minh – một Thư viện âm nhạc thiếu nhi, tuổi hồng với gần 400 ca khúc mới về thiếu nhi, cho phép người truy cập sử dụng miễn phí, kể cả nhạc nền các ca khúc. Tuy nhiên, sức lan tỏa của thư viện đến nay vẫn còn nhiều hạn chế..."
Từ thực tiễn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, bất cập, Hội thảo Âm nhạc thiếu nhi ở TPHCM đã nhận được sự quan tâm của nhiều người chuyên sáng tác nhạc, hoạt động trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn văn nghệ thiếu nhi, giáo dục đào tạo âm nhạc thiếu nhi, các nhà lý luận phê bình âm nhạc... thông qua 22 tham luận và 7 ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Trong đó, các tham luận tập trung phản ánh các vấn đề lớn: khai thác, phân tích chức năng vai trò của âm nhạc trong giáo dục thiếu nhi, những giá trị của âm nhạc và đưa ra những giá trị nghệ thuật của âm nhạc đối với thiếu nhi; thực trạng trong “sản xuất” chương trình, biểu diễn âm nhạc thiếu nhi và trong đời sống hiện nay; một số kinh nghiệm chuyên môn trong sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi;...
Kết thúc hội thảo, ban tổ chức ghi nhận ý kiến, quan điểm từ các bài tham luận và các nhà lý luận phê bình, các nhạc sĩ, những người đang tham gia công tác giáo dục âm nhạc thiếu nhi ở TPHCM. Qua đó, có cái nhìn tổng quan, sâu sát với thực tế hơn, từ đó, đề ra những phương hướng hoạt động thiết thực, có chiều sâu, lan tỏa hiệu quả hơn lĩnh vực sáng tác âm nhạc thiếu nhi.
Hội thảo cũng là hoạt động khoa học nằm trong khuôn khổ của hoạt động lý luận - phê bình, đặc biệt hướng đến việc biên soạn tài liệu 50 năm hình thành, phát triển của Hội Âm nhạc TPHCM.