Ngày 14-6, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo khoa học 40 năm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và 10 năm Luật Biển Việt Nam năm 2012, vai trò, thách thức và toàn diện.
Nội dung hội thảo xoay quanh 2 vấn đề chính, UNCLOS 1982 trong vai trò và triển vọng cho hợp tác quốc tế và Luật Biển Việt Nam 2012 trong việc bảo vệ chủ quyền và tầm nhìn cho tương lai. Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận về vai trò, những thách thức và các nội dung cần hoàn thiện đối với UNCLOS 1982 cũng như Luật Biển Việt Nam 2012, nhằm phục vụ công tác xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Những tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, học giả và các cán bộ, giảng dạy, tiêu biểu. Tiêu biểu như, “Ba thành tựu đặc biệt của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 của PGS-TS Ngô Hữu Phước (Đại học Kinh tế - Luật); UNCLOS 1982: Vấn đề bảo vệ môi trường biển và những tác động đối với Việt Nam của TS Hoàng Ly Anh (Đại học Luật Hà Nội); Giải thích Điều 121 của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông và một số gợi ý cho Việt Nam của Thạc sĩ Hoàng Việt (Đại học Luật TPHCM)…
Phát biểu tham luận, PGS-TS Ngô Hữu Phước khẳng định, UNCLOS 1982 đã phân chia biển và đại dương thành 3 khu vực có chế độ pháp lý khác nhau, gồm không gian biển thuộc chủ quyền quốc gia, không gian biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia và không gian biển chung của nhân loại. Đây chính là thành quả pháp lý quốc tế lớn nhất sau hàng ngàn năm quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương, cộng đồng quốc tế mới tạo dựng được.
Chủ tọa hội thảo cùng các đại biểu tham dự tại cuộc hội thảo |
Nội dung tham luận, thảo luận của các đại biểu đã làm sáng tỏ, hoàn thiện cơ sở pháp lý UNCLOS 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta trong tình hình mới.