Hội thảo khoa học 20 năm di sản Phong Nha - Kẻ Bàng: Kỳ vọng công nhận di sản lần thứ 3

Ngày 30-6, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững", mở ra hy vọng Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành di sản thế giới lần thứ 3 vào năm 2024.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới (5-7-2003 - 5-7-2023). Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế.

Hàng ngàn hang động lớn nhỏ

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận những kết quả đã đạt được, cũng như đưa ra những hạn chế, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Qua đó, các đại biểu đưa ra ý tưởng, giải pháp, đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản trị di sản; quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản để phát triển bền vững.

Hội thảo khoa học 20 năm Phong Nha - Kẻ Bàng

Hội thảo khoa học 20 năm Phong Nha - Kẻ Bàng

Tại hội thảo, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cam kết và khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo tồn, khai thác di sản một cách hợp lý, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, tuân thủ Công ước quốc tế; hợp tác chặt chẽ với Vườn quốc gia Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn (Lào) để phát triển quần thể danh thắng, du lịch độc đáo của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Hang động thu hút sự chú ý toàn thế giới

Hang động thu hút sự chú ý toàn thế giới

Ông Trần Thắng cho rằng, quá trình kiến tạo vỏ trái đất hơn 450 triệu năm trước đã tạo cho Quảng Bình một Phong Nha - Kẻ Bàng với những giá trị đặc sắc, độc đáo về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Nơi đây có rừng bách xanh đá trên 500 năm tuổi; có các loài cá và bò sát lưỡng cư mới được phát hiện. Đặc biệt, có hàng ngàn hang động lớn nhỏ, trong đó có hơn 400 hang động được khảo sát, nổi bật như: Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, động Phong Nha có sông ngầm dài nhất thế giới, động Thiên Đường có thạch nhũ kỳ ảo, độc đáo nhất thế giới…

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe các nhà khoa học, chuyên gia, diễn giả, trình bày báo cáo, tham luận về định hướng phát triển bền vững Di sản thế giới theo quan điểm của UNESCO; kết quả 20 năm khám phá hang động tại Quảng Bình của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh; khai thác du lịch di sản Phong Nha - Kẻ Bàng theo hướng phát triển bền vững; tham luận kinh tế, kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, địa chất, địa mạo, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và du lịch.

Tại hội thảo, tỉnh Quảng Bình mong muốn các tổ chức quốc tế, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục giải mã những vấn đề, giá trị còn tiềm ẩn của di sản thiên nhiên thế giới để có giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững.

Trưng bày cuộc sống đồng bào thiểu số Quảng Bình tại hội thảo

Trưng bày cuộc sống đồng bào thiểu số Quảng Bình tại hội thảo

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kỳ vọng thời gian tới, Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ có những nghiên cứu mới xứng tầm, trở thành di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 3 với tiêu chí cảnh quan xanh.

Ứng viên danh lục xanh

Tham luận tại hội thảo, đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá Phong Nha - Kẻ Bàng là một ứng cử viên danh lục xanh về cảnh quan. Theo IUCN, việc tham gia vào đánh giá theo tiêu chuẩn danh lục xanh IUCN sẽ giúp Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhìn lại và khẳng định các thành công của mình, đảm bảo vận hành đi đúng hướng theo các thực hành tốt nhất của thế giới.

Ngoài ra, trong tương lai, việc đánh giá theo tiêu chuẩn danh lục xanh cũng sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các di sản thế giới trên toàn cầu. Việc đi trước trong đánh giá theo bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp Phong Nha - Kẻ Bàng có bước chuẩn bị tốt cho báo cáo triển vọng di sản thiên nhiên thế giới trong các giai đoạn tiếp theo. Đến nay, Phong Nha - Kẻ Bàng đã hoàn thành xong giai đoạn đề xuất và đã bắt đầu tiến trình tự đánh giá giai đoạn ứng viên.

Phụ nữ A Rem, cộng đồng thiểu số trong ứng viên danh lục xanh Phong Nha - Kẻ Bàng

Phụ nữ A Rem, cộng đồng thiểu số trong ứng viên danh lục xanh Phong Nha - Kẻ Bàng

“Với thế mạnh là một khu di sản thiên nhiên thế giới, việc xây dựng hồ sơ, quy hoạch không gian, lập kế hoạch hoạt động, giám sát, đánh giá, việc vận hành và báo cáo của Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuân thủ theo các yêu cầu quốc tế đã giúp Phong Nha - Kẻ Bàng tiệm cận các tiêu chí của danh lục xanh IUCN”, tài liệu hội thảo khoa học của IUCN nêu.

Người dân thiểu số trong một hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Người dân thiểu số trong một hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Hai nhà khoa học Nguyễn Đức Tú và Hồ Kim Cương đến từ IUCN nêu thêm lợi thế: “Quyền lợi của người dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương cũng luôn được quan tâm đảm bảo với việc duy trì các vùng đệm, đảm bảo người dân đã sinh sống lâu đời trong vùng lõi của Vườn được an cư lạc nghiệp, tránh xáo trộn, gây khó khăn trong kinh tế, xã hội, đời sống và văn hóa của địa phương. Vườn quốc gia còn tạo điều kiện cho các thành viên của cộng đồng các bản như Bản Arem, bản 39, bản Đoòng… tham gia vào công tác bảo vệ rừng và phục vụ du lịch sinh thái. Việc này được đánh giá rất cao bởi chỉ số 1.1.3 của danh lục xanh về cơ cấu quản trị thừa nhận các quyền hợp pháp của người dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương”.

Cảnh quan xanh ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Cảnh quan xanh ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Các nhà khoa học đánh giá, với thế mạnh của một di sản thiên nhiên thế giới, với vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa nổi bật là điểm đến thu hút lượng du khách rất cao, Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong những vườn quốc gia triển khai hiệu quả nhất các hoạt động du lịch gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Ban quản lý Vườn quốc gia đã làm việc chặt chẽ với các công ty khai thác du lịch, xây dựng phương án dịch vụ môi trường rừng, các bảng nội quy, hướng dẫn khách tham quan, cùng với việc huấn luyện, tập huấn kỹ cho các hướng dẫn viên để thực hiện du lịch xanh, giảm thiểu tác động vào các giá trị tự nhiên của di sản.

Phong Nha - Kẻ Bàng kỳ vọng lần thứ 3 được công nhận di sản thế giới với danh lục xanh

Phong Nha - Kẻ Bàng kỳ vọng lần thứ 3 được công nhận di sản thế giới với danh lục xanh

IUCN cho rằng, nếu việc thực hiện thuận lợi với sự quyết tâm và vào cuộc của Ban quản lý Vườn Quốc gia, hồ sơ danh lục xanh của Phong Nha - Kẻ Bàng có thể hoàn thiện trong năm 2024, sẵn sàng cho việc thăm thực địa và đánh giá rà soát của nhóm chuyên gia đánh giá danh lục xanh (EAGL) trong cùng năm, và đệ trình lên Ủy ban danh lục xanh IUCN vào cuối năm 2024.

Tin cùng chuyên mục