Những bước chân không mỏi
Lũ quét làm cô lập hoàn toàn 2 xã Phước Thành và Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam), hệ thống giao thông nơi đây bị đứt gãy hoàn toàn tưởng chừng như phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn lực thông tuyến đường đến xã Phước Thành sau 20 ngày. Tiếp đó, nối tuyến đến xã Phước Lộc nhằm khơi thông tạm để vận chuyển lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ bà con nơi này. Vì cơ sở hạ tầng nơi đây thiệt hại quá nặng, nên tuyến đường chỉ khơi thông tạm, trời mưa lớn gây sạt lở rất khó di chuyển. Bên cạnh việc tiếp tục khắc phục tuyến đường cho đến khi hoàn chỉnh, chính quyền địa phương phải cắt cử người túc trực, theo dõi để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Song song đó, công việc tìm kiếm người mất tích vẫn đang được triển khai. Theo Thiếu úy Phạm Văn Đảo, Công an huyện Nam Trà My, 2 tháng qua, bước chân của các chiến sĩ công an, dân quân tự vệ và người dân địa phương này chưa bao giờ ngừng nghỉ, hỗ trợ người dân dựng nhà tạm và tham gia công tác tìm kiếm người dân mất tích. Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết hiện nay tại thôn 6 và thôn 5B (nay là thôn 1 và thôn 3) chưa thể đưa phương tiện cơ giới vào được, vì vậy công tác tìm kiếm vẫn đang được lực lượng tại chỗ triển khai thủ công. “Dù mưa gió thất thường, điều kiện khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm tìm kiếm những nạn nhân mất tích cho đến khi không thể tìm kiếm được”, ông Thoại khẳng định.
Bão lũ gây hư hỏng trường học, học sinh nghỉ học quá lâu, cùng với cảm giác hoảng sợ vẫn còn, vì vậy việc trở lại trường của các em học sinh vùng lũ là cả một quá trình kiên trì vận động của các thầy cô giáo. Cô giáo Hồ Lê Hồng Thủy, phụ trách điểm trường nóc Ông Lục (Trà Leng), cho hay, từ khi vụ sạt lở xảy ra, cô âm thầm bám bản, sau giờ giảng dạy, cô lại đến từng nhà có con em chưa đến lớp để động viên, thuyết phục. “Vụ sạt lở vừa qua làm phụ huynh và học sinh rất sợ, không muốn cho con em mình đi học. Là cô giáo đứng bản, tôi khuyên phụ huynh cho các em đi học lại và tôi sẽ chịu trách nhiệm với họ. Nhưng họ vẫn sợ, theo phong tục làng, nếu nơi nào có nhiều người chết họ sẽ không ở, đi học tại đó nữa, điều này là khó nhất, ngày nào mình cũng đi vận động, thậm chí đến chở các em đi học…”, cô Thủy tâm sự.
Hiến đất cho người dân dựng nhà ở tạm
Sau gần 2 tháng, sau khi nóc ông Đề (xã Trà Leng) bị sạt lở núi xóa sổ, ngày 22-12, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khởi công xây dựng khu tái định cư cho người dân nơi đây. Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết tại khu tái định cư mới có 81 lô đất, mỗi lô rộng 200m2 để bố trí tái định cư cho bà con ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng. “Chính quyền huyện là chủ đầu tư, xây cho bà con một căn nhà sàn, bê tông cốt thép kiên cố trị giá 150 triệu đồng/căn từ ngân sách nhà nước và nguồn ủng hộ của mạnh thường quân trên cả nước. Dự kiến trước Tết Nguyên đán sẽ có nhà mới bàn giao cho người dân, để bà con có thể đón tết an vui”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My bày tỏ.
Còn bao quanh 2 xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) chỉ toàn đá, sông suối và những hố sâu. Đất rộng nhưng không có mặt bằng để làm nhà đảm bảo an toàn cho người dân. Chính quyền địa phương đã vận động bà con Giẻ Triêng nơi đây để mượn đất dựng nhà tạm cho người dân bị trôi nhà ở. Và những ngôi nhà khoảng 30m2 với mái bằng bạt, cột nhà và trụ nhà bằng tre, được buộc sợi thép chặt, trông khá chắc chắn. Cửa được dựng bằng tấm tôn còn sót sau bão. Những miếng ván kê thành chiếc bàn tạm để ăn cơm.
Già Hồ Văn Thanh năm nay đã ngoài 70 tuổi, là người đã xung phong hiến đất cho người dân làm nhà ở tạm. Đến nay, trên đất già Thanh cũng đã có 4 căn nhà tạm. Già Thanh cho biết, nhà già đất rộng, thấy sạt lở khắp nơi, nhà nước đi tìm mặt bằng cho người dân dựng nhà nhưng chưa có, già không đành lòng nhìn bà con sống lang thang nhờ vả khắp nơi. “Trường học thì để cho bọn trẻ học, ủy ban xã để cho cán bộ làm việc còn lo cho dân. Già thấy đất nhà mình rộng nên để con cháu dựng nhà ở tạm, chờ nhà nước tìm nơi ở mới. Nếu có bà con nào không chỗ ở nữa thì già sẽ cho dựng nhà tiếp. Nếu mà nhà nước không tìm ra mặt bằng, người dân có thể ở luôn trên đất của già cũng được”, già Thanh nói chắc nịch.
Những ngôi nhà tạm mọc lên tại 2 xã Phước Thành và Phước Lộc tuy không khang trang nhưng ấm áp, có điện, nước sinh hoạt, nhiều lương thực dự trữ, nhiều quần áo ấm, chăn mền và các vật dụng khác. Bữa cơm của gần 3.000 người Giẻ Triêng nơi đây, nay đã có cá thịt tươi và rau quả… Hơn hết, tình đồng bào hiển hiện mãnh liệt trong cơn hoạn nạn, bà con ai nấy động viên nhau như lời già Thanh: “Người mất rồi buồn cũng không thể có lại. Con cháu Giẻ Triêng hãy cùng nhau vượt qua khó khăn, an vui đón năm mới, để cho bọn trẻ có một cái tết rộn tiếng cười, người lớn mạnh khỏe chờ nhà nước khắc phục nương rẫy để lao động sản xuất”.
Ngày 31-12-2020, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, cùng đoàn công tác có chuyến khảo sát tìm mặt bằng để xây nhà cho bà con tại huyện Phước Sơn. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, về nhà ở cho người dân mất nhà, cơ bản các điểm cơ quan chức năng khảo sát đã được sự đồng thuận của người dân. Huyện Phước Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành lập hồ sơ và bắt đầu triển khai từ nay đến sau tết, để sớm có vị trí bố trí cho người dân. “Bộ TN-MT đang có kế hoạch sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát ở địa bàn huyện Phước Sơn và huyện Nam Trà My thời gian sớm nhất, để có kết luận các phương án nhà ở lâu dài, an toàn cho người dân, đặc biệt người dân miền núi Quảng Nam”, ông Hà thông tin. |