Vượt lên nỗi đau với tinh thần “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, cùng với sự quan tâm, trợ giúp của Nhà nước, cộng đồng, những “vùng đất chết” đang hồi sinh.
Nỗi đau chưa nguôi
Tháng 8 này là tròn 3 năm xảy ra trận lũ quét kinh hoàng qua bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) làm 10 người chết và mất tích, hơn 50 căn nhà bị cuốn trôi cùng nhiều tài sản, vườn cây, ruộng lúa… Sa Ná gần như bị xóa sổ hoàn toàn. 3 năm đã qua, nhưng với anh Hà Văn Vân (32 tuổi), nỗi đau vẫn còn hiển hiện. Gia đình anh bị lũ quét cướp đi sinh mạng của bố mẹ, vợ và 2 con nhỏ. Anh Vân thắp hương trước tấm bia tưởng niệm những người xấu số trong trận lũ quét 3 năm trước, nghẹn ngào: “3 năm qua, có thế nào thì tôi cũng không thể quên được nỗi đau từ trận lũ quét ấy”.
Tại thôn Ra Ly - Rào (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), trận sạt lở đất khủng khiếp vẫn còn ám ảnh người dân nơi đây. Bà Hồ Thị Đưm nhớ lại: “Cuối năm 2020, ngôi nhà của gia đình mẹ và con trai bị lũ quét làm đổ sập. Tai họa ập đến bất ngờ khiến 2 gia đình với 8 người phải dựng tạm một nhà bạt để ở. Mưa lũ làm nhà thành đống hoang tàn, tài sản không còn gì. Ngồi cạnh bên, ông Hồ Văn Than tiếp lời: “Năm đó là một năm kinh hoàng, đầy khó khăn với bà con trong bản. Nhưng sau đó được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm, gia đình tôi được di đời về khu tái định cư này, có căn nhà kiên cố để ở, có điện chiếu sáng, có đường giao thông, có trường để con cháu học tập, gia đình rất phấn khởi. Hiện gia đình trồng 1ha sắn, 5 sào lúa nước và các cây hoa màu, nuôi dê, kinh tế gia đình dần ổn định”.
Tái sinh trên khu tái định cư
Sau trận lũ quét kinh hoàng, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực hơn 50 tỷ đồng tái thiết lại Sa Ná. Một khu tái định cư rộng 2,8ha được lập trên đồi Pom Ngô, cách bản cũ gần 1km, để bố trí cho toàn bộ 51 hộ dân bản Sa Ná cũ lên ở. Tại khu tái định cư, 19 ngôi nhà cấp 4 và 32 nhà sàn truyền thống được dựng lên, bên cạnh là điểm trường mầm non, tiểu học và nhà văn hóa cộng đồng. Ngoài khu tái định cư, một tuyến đường bê tông dài hơn 3km nối từ quốc lộ 217 vào bản, giúp người dân giao thương thuận tiện với bên ngoài. Trên sông Luồng, một cây cầu bê tông kiên cố cũng được bắc qua. Nhờ cây cầu này, người dân Sa Ná không còn bị cô lập mỗi khi mùa mưa lũ về.
Tại khu vực bản cũ bên suối Son, người dân đã dọn dẹp, cải tạo lại “vùng đất chết” để trồng lúa và rau màu. Ông Ngân Văn Kẻm, Trưởng bản Sa Ná, xúc động: “Nỗi đau của trận lũ quét đang dần vơi. 3 năm qua, được sự quan tâm của các cấp, của cộng đồng chung tay, người dân Sa Ná đã bước sang một trang mới trên bản mới. Sa Ná là một trong số ít bản đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện miền núi Quan Sơn”.
Trở lại khu tái định cư thôn Ra Ly - Rào những ngày này, khắp nơi đều vang tiếng cười nói, phấn khởi của người dân. Sau đợt mưa lũ gây sạt lở đất cuối năm 2000, khu tái định cư thôn Ra Ly - Rào được đầu tư xây dựng với kinh phí 5,4 tỷ đồng, là nơi sinh sống của 45 hộ với 173 nhân khẩu đồng bào Vân Kiều. Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, cho biết, hiện nay, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song đời sống bà con khu tái định cư Ra Ly - Rào ngày càng khởi sắc, ổn định hơn. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp các đơn vị tiếp tục hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, giống vật nuôi, cây trồng để người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, tạo tiền đề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Sau vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn 1 xã Trà Leng, những người còn may mắn sống sót đang bắt đầu một cuộc sống mới. Trước kia, con đường vào nóc Ông Đề chỉ chừng 5km phải đi bộ 2 giờ đồng hồ qua hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ với cây cối, đất đá ngổn ngang. Nay, xe đã có thể chạy thẳng đến nơi trong vòng 10 phút. Để ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã xây dựng 39 ngôi nhà sàn kiên cố bằng bê tông cốt thép tại khu dân cư Bằng La cho hàng chục người dân bị mất nhà cửa, mất người thân. Tiếng nói chuyện rôm rả, nô đùa của những đứa trẻ đã vang lên. Nỗi đau mất mát vẫn còn đó, nhưng người dân nơi đây dần lấy lại nhịp sống để tiến lên phía trước.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho biết, đến nay, sau khi bà con vùng sạt lở dọn đến nơi ở mới thì tinh thần cơ bản đã ổn định và trở lại hoạt động sản xuất. Chính quyền xã cũng hỗ trợ cho bà con về cây giống, con giống nếu bà con có nhu cầu. Đến nơi ở tại khu dân cư Bằng La là trung tâm của xã nên việc đi học cho các cháu nay thuận tiện hơn trước. Những trường hợp các cháu mồ côi cha mẹ do sạt lở được chính quyền xã, đoàn thanh niên xã thường xuyên quan tâm, động viên các em tiếp tục học tập.