Bên sông Chày, một nhánh của sông Son là thôn Chày Lập. Cuối thôn là nhà ông Trần Nhít (53 tuổi), sở hữu vườn sưa 1.000m2 với hơn 300 cây lớn nhỏ.
Ông Nhít kể: “Hồi trước đi rừng, thấy sưa bị lâm tặc chặt ngổn ngang, bất kể lớn bé, tiếc lắm. Chỉ còn cách đi tìm cây con trong rừng đem về trồng trong vườn. Từ những năm 1990 đến nay, sưa lên tươi tốt, hạt rơi xuống lại lên cây con. Không có nhiều đất trồng, tôi đem tặng bà con trong thôn, trong làng, giờ nhà nào cũng có vài ba cây sưa đỏ hoặc sưa vàng”.
Ban đầu, ông Nhít chủ đích trồng lấy bóng râm, bên dưới trồng khoai hoặc sắn, không ngờ sưa lớn nhanh, lõi bên trong thơm xá xị, chắc nịch, có giá trị kinh tế. “Bà con trồng lấy bóng mát là chính, vì vùng này trời nắng chang chang. Ai ngờ thấy thương lái đến tìm mua nên nhà nào cũng trồng sưa trong vườn, thành ra sưa hồi sinh là vậy”, ông Nhít nói.
Theo tìm hiểu, 1ha rừng trồng keo, sau mấy năm mới cho thu hoạch 50 triệu đồng, nhưng một cây sưa khoảng 20 năm tuổi, hiện có giá bằng 5ha keo. Vậy là tưởng trồng chơi, nhưng người dân thôn Chày Lập và ở nhiều xã Phúc Trạch, Xuân Trạch, Lâm Trạch lại “ăn thật”.
Anh Long, một người buôn sưa có tiếng ở Phúc Trạch, kể: “Trồng sưa mà đẹp là phải xuống làng Na, thị trấn Phong Nha, nằm bên kia sông Son”. Qua eo núi Xuân Sơn, con đường vào làng Na đổ bê tông đủ một làn xe, hai bên bờ vực sông Son là hàng cây sưa chừng 5 năm tuổi, chạy lút mắt dưới chân núi đá vôi. Long nói: “Ngày xưa, dân làng Na vào rừng chặt sưa nhiều vô kể. Những bô lão dặn con cháu, nếu thấy cây con nên đưa về bìa rừng ven nhà trồng để bảo tồn. Con cháu nghe lời nên giờ làng Na trồng sưa rất nhiều”.
Sưa trồng ven bờ sông, ven núi đá vôi, trong các thung lũng... Sưa che bóng mát, chắn gió, mưa lũ, chống sạt lở. Nhà nào muốn cải thiện đời sống thì lâu lâu bán vài cây, thu về có khi cả trăm triệu đồng. Bán rồi, người dân mua cây giống về trồng tiếp.
Để bảo tồn bền vững cây sưa bản địa, nhiều con em làng Na lập công ty du lịch, có ý tưởng mở tuyến du lịch tham quan rừng sưa làng Na hậu dịch Covid-19. Bởi lẽ, loài cây này từng một thời gần như biến mất, nay đã hồi sinh ở chính “thủ phủ” của chúng, nên người dân rất có ý thức bảo vệ.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch, cho biết: “Phúc Trạch nổi tiếng với dòng sưa đỏ và sưa vàng từ xa xưa, do đó địa phương đang giao cho Đoàn xã thí điểm làm những vườn sưa sinh thái trong các thôn, từ đó bảo tồn kết hợp phát triển du lịch, giới thiệu ngoại khóa với học sinh các trường nhằm bảo tồn bền vững”.
Theo lãnh đạo xã Phúc Trạch, ngoài làm nông nghiệp, trồng bắp, sắn, rừng keo nguyên liệu thì sưa đang là hướng đi đúng của bà con. Chính quyền cần có chiến lược bảo tồn, phát triển để trở thành vùng sưa lớn, nay mai kết hợp làm mô hình tham quan du lịch.
Chuyên gia bảo tồn Nguyễn Duy Lương cho biết, 15 năm trước, đã có dự án Vườn rừng, đầu tư hàng loạt vườn sưa ở Phong Nha, Xuân Trạch, Phúc Trạch… Trồng sưa không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị lớn về môi trường, đất không bị bạc màu mà tạo cho đất tốt hơn. Sưa hay còn gọi là trắc thối, danh pháp khoa học là Dalbergia tonkinensis, gỗ cho mùi thơm nhẹ như hương trầm, phần gỗ lõi cho giá trị kinh tế cao để làm đồ nội thất. |