Mấy hôm sau bão, lướt Facebook, thấy anh bạn kêu vườn thanh trà của mẹ ở xứ Huế rụng sạch. Vườn rau nhà dì tôi ở xứ Quảng cũng bị giập nát không còn gì. Chợt nhớ khu vườn nhỏ của mẹ nằm ven con kênh dẫn nước từ sông Lam vào, luôn tan hoang sau mỗi mùa bão lũ. Sau bão lũ, mẹ lại gieo trồng những thửa rau mới xanh non. Bỗng thấy Facebook mấy ngày bão, sao dễ đồng cảm với nhau đến vậy khi chẳng ai thèm quan tâm trend này nọ. Hết thảy hướng về khúc ruột thương chung.
Anh chị em họ hàng gần của tôi có chung một nhóm Zalo. Nhóm ấy quanh năm chỉ thấy tin nhắn hiện lên để… chúc mừng sinh nhật hoặc thông báo ai đau, bệnh để cùng thăm nom. Chỉ duy ngày bão về, những tin nhắn liên tục hỏi han, nhắc nhau cẩn thận cửa nẻo, ở yên trong nhà, nhắc dự trữ đồ ăn cho bọn trẻ… Thương chi là thương những ngày bão về.
Tôi đã đi qua 18 mùa bão lũ miền Trung, chứng kiến cả nhà trôi, người mất vì bão lũ. Ngày tôi còn nhỏ, chẳng có những nhóm chung trên mạng xã hội để sẻ chia nhau từng chút thương yêu qua dòng tin. Nhà bác tôi ở bên chân núi Quyết, vùng trũng nhất TP Vinh, là nơi nước sông đổ về gây ngập úng hàng tháng. Sau những ngày bão lũ, mẹ luôn mua những mớ cá đồng, cá sông tươi rói, kho nghệ một nồi lớn thơm lừng, nói tôi đưa vào nhà biếu bác.
Đường vào nhà bác khi nước lũ lên cao còn phải chèo thuyền vào. Các anh chị con bác hàng chục năm sau vẫn nhắc món cá đồng của mẹ tôi kho ngày bão lũ. Rất nhiều gia đình, anh chị em cũng kho cá thịt, mang mì tôm, thức ăn qua nhà người thân của mình sau những cơn bão lũ như thế. Sau bão lũ, dọc đường là những mái nhà bị tốc ngói, cây đổ rạp ngoài đường. Nhưng như đã từng trải qua sau bao năm bão đến rồi đi qua, chỉ thấy lòng ấm áp khi cùng nhau dọn lại vườn, lợp lại mái nhà, cùng sẻ chia với nhau từng bó rau, con cá...
2.Bạn tôi xa quê gần hai mươi năm, thi thoảng vẫn nhắc về kỷ niệm mà bạn nói như cơn ác mộng vừa xảy ra đêm qua. Nửa đêm nước đổ về ào ạt cuốn trôi nhà trôi cửa, nghe tin có người tử vong, người mất tích. Trẻ con sau mấy ngày đêm lên nhà thờ sơ tán, chèo thuyền quay về nhà chẳng thấy nhà mình ở đó, không thấy bố mẹ đâu, hoang mang đến cực độ.
Thật may, bố mẹ bạn đã kịp chạy lũ, nương nhờ một nhà cao tầng kiên cố trong vùng để chờ con về. Sau lần đó, bố mẹ bạn bán hết nhà cửa, ruộng vườn, được một chút tiền làm vốn lận lưng vào Bình Dương làm công nhân. Bố bạn hay nói nửa đùa nửa thật, có khổ mấy cũng không rơi vào cảnh con cái có thể côi cút. Anh chị em bạn đều giống nhau ở tính chịu khó, mạnh mẽ, đều hiểu rằng còn người thân là còn tất cả. Cuộc đời có bao gian truân vất vả thì với bạn, mùa bão năm đó mãi là bước ngoặt để nhìn lại và kiên cường đi tiếp.
Tôi cũng như bạn, 18 mùa lũ lụt miền Trung đủ dài, đủ rộng để lòng mình vẫn lặng đi mỗi khi nghe tin bão lũ quét qua quê mình. Nhà tôi ven sông Lam, mỗi mùa bão lũ nước sông dâng tràn khắp nẻo đường, xóa mờ lằn ranh giữa con đường và những bờ ao, bờ sông. Ngày bình thường, chúng tôi có thể tự đi học cùng nhau, nhưng đến mùa lũ, phụ huynh đứng xếp từng hàng trước cổng trường chờ đón con. Đứa nào đứa nấy đều được cõng.
Nhà đứa nào sang hơn thì được ngồi xe. Tuy nhiên, đường về nhà không quá xa, xe lại dễ bị chết máy, tuột xích khi nước ngập nên “phương tiện” chung nhất vẫn là tấm lưng bố, mẹ. Sân trường và con đường buổi tan trường rất vui vì tiếng lũ trẻ gọi nhau í ới. Ký ức về mùa lũ trong mỗi đứa trẻ là tấm lưng của cha, của mẹ mặn nồng mùi mồ hôi sau buổi tan ca vội vã đón con đi học về. Đối với những đứa nhỏ, mỗi tấm lưng đầy mồ hôi của bố mẹ là một điểm tựa an toàn và yêu thương nhất. Mãi sau này, nhiều đứa nhắc lại vẫn như còn thấy cay cay vị mặn.
Mùa bão lũ, trẻ con và người già thường được đưa đến những khu vực cao, nhà cao tầng chắc chắn như trường học, trụ sở cơ quan. Những nhà có điều kiện cũng mở cửa để hàng xóm qua trú ẩn. Chỉ những người khỏe mạnh, trai tráng mới ở lại giữ nhà,
chống bão. Tôi vẫn nhớ những ngày sống chung tập thể đầu tiên ấy. Có đứa lén men ra ngoài hành lang bắt được chú cá lạc từ sông vào khiến cả đám trẻ nhỏ phấn khích. Có đứa rất khuya không ngủ, bỗng dưng ngồi dậy khóc hu hu vì “cháu nhớ mẹ”. Trong khi đó, bố mẹ ở nhà chống bên này, buộc bên kia để tránh nhà bị giột nước, bị bay ngói…
3.Tôi vẫn ấn tượng với những câu chuyện bạn bè kể về nhà mình trong mùa bão lũ. Là chuyện cười chảy ra nước mắt khi bạn tôi kể, mẹ tranh thủ gọi điện báo cho con yên tâm rằng ở nhà vẫn ổn, trong lúc… đầu đội nón bảo hiểm. Bạn hỏi mẹ, sao phải ngồi trên giường đội nón bảo hiểm, mẹ tỏ ra hiểu biết: “Chứ không tí gió giật mạnh, nhỡ thứ này thứ kia bay trúng đầu, ngủ dậy không nhận ra chồng con thì biết làm sao?”. Đứa con xa mẹ hơn 1.000km, nghe phì cười mà thương mẹ đứt ruột. Chỉ mong giá mình được ở đó cùng mẹ những lúc mưa gió bão bùng. Như khi xưa còn nhỏ, mùa bão, chỉ yên lòng khi có mẹ ở bên.
Một bạn khác, bố mẹ ly thân bao năm. Bố bạn lâu lâu về thăm con, thậm chí hẹn xong không về, nhưng cứ buổi sáng trước và sau cơn bão, nhất định bố sẽ có mặt để kiểm tra cửa nẻo, cột kỹ, lợp lại những tấm tôn. Chỉ vài năm “đúng hẹn” khi mùa bão về. Có năm bố bạn bị miếng tôn vỡ cào rách tay, có năm té bong gân. Bố mẹ bạn tôi cùng ngồi lại với nhau, bỏ qua những trách giận khi xưa để về chung một mối. Và chúng tôi có cơ hội đi ăn đám cưới duy nhất một lần bố mẹ của bạn mình, chính là nhờ những ân tình thắp lại sau những mùa bão ấy.
* * *
Bão lũ đi qua, cũng như những mầm cây lại mạnh mẽ đâm chồi vươn lên, những đứa trẻ lớn lên từ vùng bão lũ, những người lớn đối mặt với gian truân bao giờ cũng biết chịu thương chịu khó. Điều đọng lại trong tôi, đứa con đã gắn bó và đã xa những mùa bão lũ hai chục năm, vẫn là những ruộng vườn, bãi bờ ngời sắc xanh nhờ phù sa đáp đền; là người lớn, trẻ con được gần nhau, thương nhau hơn từ trong hoạn nạn.