Nền tảng hợp tác lâu đời
Hơn 50 nhà lãnh đạo từ EU và CELAC đã tập trung tại Brussels (Bỉ) để dự Hội nghị thượng đỉnh EU - CELAC sau 8 năm gián đoạn. Các quan chức EU coi đây là cơ hội để hồi sinh mối quan hệ hai bên. Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo đề cập đến nhiều chủ đề như: tăng cường hợp tác trong các diễn đàn đa phương, hòa bình và ổn định khu vực, thương mại và đầu tư, phục hồi kinh tế, nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu và đổi mới, công lý và an ninh cho công dân... nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác EU - CELAC. Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cách khai thác tiềm năng và cơ hội to lớn mà quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số mang lại để tăng cường sự thịnh vượng cho hai khu vực. Hai bên khẳng định, các nguyên tắc công bằng xã hội sẽ tạo cơ sở cho việc huy động nỗ lực hợp tác với mục đích đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Châu Âu và Mỹ Latinh - Caribe có mối quan hệ đối tác lâu dài dựa trên các giá trị chung cũng như cam kết chung về dân chủ, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Đây là hai khu vực đại diện cho hơn 1/3 số thành viên của Liên hợp quốc và là lực lượng đại diện cho một hệ thống đa phương mạnh mẽ. Hai khu vực cũng chia sẻ một tầm nhìn chung về bảo vệ hành tinh.
Ra mắt vào năm 2010, CELAC là khối gồm 33 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe với mục đích liên kết các quốc gia này để tăng cường đối thoại chính trị và hội nhập văn hóa xã hội của khu vực, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, kích thích tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi của toàn bộ người dân.
Mắt xích quan trọng trong chiến lược
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cho rằng, đây là lúc hai bên cần nhau hơn bao giờ hết. Dẫn chứng hậu quả của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, bà Ursula Von der Leyen kêu gọi cả EU và CELAC nên hợp tác chặt chẽ hơn. Người đứng đầu cơ quan hành pháp EU khẳng định, EU mong muốn trở thành đối tác quan trọng của CELAC. EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở CELAC nhưng Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối này. Theo bà Ursula Von der Leyen, EU đang lên kế hoạch đầu tư 45 tỷ EUR vào CELAC như một phần của chiến lược Global Gateway (Cổng toàn cầu) của EU, đối trọng của chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Về mặt kinh tế, EU đang tìm cách thiết lập quan hệ đối tác năng lượng mới với CELAC sau khi cắt đứt quan hệ với Nga. EU cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về chất bán dẫn cho xe điện phục vụ chuyển đổi nền kinh tế sang ít phát thải khí CO2. Liên minh này đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại với Chile, nhà sản xuất đồng lớn nhất và là nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới. EU cũng đang tìm đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại đã đạt được với Mexico vào năm 2018 và với khối Mercosur gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay vào năm 2019.