Hồi sinh những trái tim non khiếm khuyết

Đầu năm 2024, Việt Nam gây tiếng vang khi trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á can thiệp thành công tim mạch bào thai, mang sự sống đến cho những trái tim non khiếm khuyết.

Hành trình đưa những thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh chào đời là “phép màu” của tiến bộ y học
Hành trình đưa những thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh chào đời là “phép màu” của tiến bộ y học

1. M. được 3 tháng tuổi, đã có những hành động đáng yêu của một đứa trẻ, mang lại tiếng cười hạnh phúc cho gia đình nhỏ. Đó là phép màu. Bởi, chỉ hơn 3 tháng trước, khi M. còn là bào thai, đã được chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh nặng. Đấng sinh thành chưa từng nghĩ M. có thể đến được với cuộc sống này.

Chị D.D.L. (26 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng), mẹ M., vẫn không quên được khoảnh khắc các bác sĩ luồn kim, xuyên qua thành tử cung để sửa chữa trái tim cho con mình. Thai nhi không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải nên cơ hội sống gần như bằng 0. “Khi được đưa vào phòng mổ, tôi có hy vọng con có cơ hội sống nhưng vẫn lo lắng. Đến khi tỉnh dậy hay tin ca mổ thành công, tôi rất hạnh phúc”, chị L. nhớ lại.

Để cháu M. đến với cuộc đời này là hành trình nhiều cam go. Ở tuần thai thứ 26, thai nhi bị dị tật tim. Rất nhiều bệnh viện kiểm tra, theo dõi. Bác sĩ tư vấn phương án thông van tim cho con ngay trong bụng mẹ, vợ chồng chị L. rất lo vì kỹ thuật này chưa từng được thực hiện tại Việt Nam, nhưng “chúng tôi muốn tìm kiếm cơ hội dù là nhỏ nhất”, chị L. bày tỏ. Ca phẫu thuật 40 phút như dài vô tận. Rồi con đến với thế giới này một cách khỏe mạnh.

2. Ngày 4-1-2024 không chỉ là cột mốc với gia đình chị L., mà còn mang một dấu ấn đặc biệt cho ngành y tế Việt Nam khi lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công ca can thiệp tim mạch bào thai. Vì đây cũng là ca thông tim bào thai đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. TS-BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhi đồng 1, người thực hiện ca phẫu thuật, chia sẻ: Trước đây, khi kỹ thuật này chưa được thực hiện, nhiều đứa trẻ thậm chí không thể chào đời, thai lưu ngay từ khi còn trong bụng mẹ. May mắn hơn có thể chào đời nhưng cũng mang bệnh tim bẩm sinh phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, ảnh hưởng sức khỏe và thể trạng rất nhiều.

Năm năm trước, trong một lần dự hội nghị về tim mạch tại Mỹ, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín chứng kiến một ca phẫu thuật can thiệp tim mạch bào thai được truyền hình trực tiếp đến hội nghị. “Khoảnh khắc các đồng nghiệp đưa kim vào trái tim của bào thai, tôi gần như nín thở. Chỉ cần mũi kim lệch một chút thôi sẽ nguy hiểm cho thai nhi. Tôi quyết tâm phải học bằng được kỹ thuật này đem về Việt Nam”. Thế là, anh quyết định khăn gói ra nước ngoài. Ban đầu anh chỉ xin vào phòng mổ để xem, học hỏi dần trước khi được cầm kim làm thật. Học xong, anh vẫn khá e dè bởi Việt Nam chưa cấp phép triển khai kỹ thuật này.

3. Khi thực hiện ca can thiệp tim mạch bào thai đầu tiên, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín cùng đồng sự đã cân nhắc rất nhiều. Trong bối cảnh quy định, quy trình, hành lang pháp lý đều chưa có, các bác sĩ lo ngại, nếu lỡ thất bại, hậu quả khó lường. Dù vậy, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM và hai bệnh viện đều ủng hộ quyết định của ê kíp. Hàng loạt trăn trở - tự trả lời và cuối cùng là kết quả đáng mong đợi.

Bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, bộc bạch: “Trong suốt ca mổ, chúng tôi chỉ quan tâm duy nhất: sinh mệnh đứa trẻ. Giây phút hoàn thành việc luồn kim thông van tim cho bào thai, trên màn hình siêu âm thấy dòng máu chảy qua van động mạch phổi của thai nhi, tôi nhận ra chính nó đã kết nối cảm xúc hạnh phúc của mình với nghề nghiệp. Chúng tôi đã ôm chặt lấy nhau”. Chỉ vài ngày sau, ê kíp bác sĩ tiếp tục thực hiện thêm 2 ca thông tim can thiệp, mang những đứa trẻ bệnh tim bẩm sinh đến với cuộc sống.

Can thiệp tim mạch cho bào thai trong bụng mẹ là kỹ thuật khó. Các bác sĩ phải luồn kim qua thành bụng và tử cung của người mẹ rồi xuyên qua thành ngực bào thai để tìm đường đi đến tim. Tim của bào thai có kích thước chỉ bằng một trái dâu và bào thai ở trong bụng mẹ không cố định, đòi hỏi các bác sĩ có “trải nghiệm tay nghề chính xác tuyệt đối”. Kỹ thuật này mới chỉ được thực hiện thành công ở một số ít quốc gia có hệ thống y tế chuyên sâu phát triển. Kết quả trên mở ra hướng đi trong triển khai can thiệp tim bẩm sinh bào thai, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Info-Trang 36-37.jpg

Tin cùng chuyên mục