Để Hà Nội mãi xanh
Cuối năm 2022, Nguyễn Tiến Huy, Lê Minh Hiếu và Lê Trung Thành chung ý tưởng lập ra dự án “Hà Nội xanh” với mục đích góp phần nhỏ bé lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường cho Thủ đô Hà Nội. Qua gần 5 tháng, nhóm thực hiện dự án trên đã có khoảng 300 thành viên và đang tăng lên hàng ngày.
Nhóm Hà Nội xanh với số thành viên tăng lên từng ngày. Ảnh: GIA KHÁNH |
Nguyễn Tiến Huy (28 tuổi, quê huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là nhóm trưởng) cho biết, khi thành lập dự án Hà Nội xanh, các thành viên đều mong muốn truyền đi thông điệp như tên gọi của nhóm, từng bước lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta.
Ý tưởng thành lập dự án Hà Nội xanh được Huy nung nấu từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Công nghệ. Đó là quãng thời gian Huy ở trọ gần sông Tô Lịch, hàng ngày phải ngửi những thứ mùi hôi nồng nặc, biết là ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe bản thân và cộng đồng, nhưng thời điểm đó chưa có điều kiện để thực hiện dự án.
Cứ cuối tuần, nhóm bạn trẻ trong nhóm Hà Nội xanh tập hợp tại những dòng kênh, dòng mương ô nhiễm ở Hà Nội để dọn dẹp. Ảnh: GIA KHÁNH |
Ra trường năm 2018, Huy làm marketing cho một doanh nghiệp tư nhân, nhưng suy nghĩ về một dự án bảo vệ môi trường thì chưa bao giờ dừng lại. Khi đi làm, gặp được Lê Minh Hiếu và Lê Trung Thành cùng chung ước muốn bảo vệ môi trường, cả 3 lập ra dự án Hà Nội xanh. Từ đó, Huy cũng nghỉ việc, dành trọn thời gian cho dự án của mình.
Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, trong cuộc sống, có nhiều cách để làm từ thiện, giúp ích cộng đồng. Đối với Huy, thay vì việc bỏ một số tiền ra để làm từ thiện thì sẽ đầu tư để làm dự án bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường cũng là một dạng làm từ thiện, ở đây công việc cụ thể là dọn dẹp rác thải từ các dòng kênh, dòng mương bị ô nhiễm ở TP Hà Nội.
Mỗi lần, số lượng rác thải được nhóm vớt lên không hề nhỏ. Ảnh: GIA KHÁNH |
“Từ thời sinh viên, em đã rất yêu môi trường, cũng từng đi tình nguyện nhiều nơi, dọn rác nhiều nơi, nhưng thực sự lúc đó làm theo phong trào. Em muốn, không những bản thân mình phải sạch mà môi trường quanh mình cũng phải sạch. Dự án Hà Nội xanh chắc chắn sẽ đóng góp phần nào đó để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường từ cộng đồng xã hội”, Nguyễn Tiến Huy khẳng định.
Hiện nay, qua gần 5 tháng hoạt động, dự án Hà Nội xanh đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là các bạn sinh viên đang sinh sống và học tập trên địa bàn TP Hà Nội. Để được tham gia nhóm hoạt động của dự án, quy định phải từ 18 tuổi và phải được tiêm phòng uốn ván ít nhất một lần.
Lan tỏa hành động đẹp
Trưởng nhóm Nguyễn Tiến Huy cho biết, qua gần 5 tháng hoạt động, nhóm dự án đã có trên 40 buổi tham gia dọn dẹp rác thải dưới các dòng kênh, mương ô nhiễm khắp Hà Nội. Trong đó, tập trung cao điểm dọn dẹp ở các khu vực có mức độ ô nhiễm cao như phường Định Công, khu Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Cầu Am, kênh La Khê (quận Hà Đông), dọc theo sông Nhuệ và xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), sông Tô Lịch…
Trong nhóm, các bạn nam phụ trách xuống nước gom rác. Ảnh: GIA KHÁNH |
Để có được các buổi hoạt động dọn dẹp rác thải dưới các dòng nước ô nhiễm, trước mỗi buổi, Nguyễn Tiến Huy sẽ đi khảo sát địa bàn, địa hình và khu vực để đưa ra phương án tối ưu cho các thành viên sử dụng dụng cụ, dọn dẹp ra sao để an toàn nhất. Mỗi buổi hoạt động thường kéo dài 4-5 tiếng, khu vực nào nhiều rác có thể nhiều thời gian hơn. Những buổi dọn dẹp rác như vậy, nhóm thường đưa lên trung bình 300-400kg rác các loại như xác động vật, kim tiêm, chai lọ vỡ, nilon…, có địa điểm lên tới hàng tấn rác.
Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, để bảo vệ an toàn cho các thành viên tham gia dọn rác, sẽ ưu tiên các bạn nam lội xuống lòng kênh, mương để cào rác và gom rác, các thành viên khác trên bờ vận chuyển, tập trung rác ra nơi quy định. Các thành viên lội trực tiếp xuống nước thường phải được “bổ túc” các kỹ năng cơ bản về thu gom rác, như hạn chế di chuyển vì dưới lòng kênh nhiều kim tiêm, mảnh thủy tinh vỡ các loại, dễ gây thương tích. Các thành viên đều được trang bị đồ dùng, bảo hộ để di chuyển dưới nước.
Nhóm lựa chọn những dòng kênh, mương ô nhiễm nặng để thực hiện công việc làm sạch |
Việc làm của nhóm đã nhận được nhiều lời động viên, cổ vũ của người dân nhưng bên cạnh đó một số ánh mắt, suy nghĩ, lời nói còn hoài nghi. Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, ban đầu, một số người nói “chắc gì ở nhà đã quét được cái nhà mà bày đặt dọn dẹp; rồi dọn rác như muối bỏ bể; ăn cơm nhà vác tù và…”, nhưng một khi đã tham gia tình nguyện với nhóm, Huy nói rằng, các thành viên hầu như không quan tâm tới những lời nói như thế mà tiếp tục hành động. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ, sinh viên tham gia tình nguyện với nhóm cũng là để trải nghiệm để thử thách bản thân.
Em Bùi Thị Thảo, 22 tuổi, đến từ tỉnh Hòa Bình, đang theo học lớp ngôn ngữ Anh tại Hà Nội cho biết, mặc dù mới tham gia nhóm Hà Nội xanh được hơn 2 tháng, nhưng cảm nhận được công việc ý nghĩa này. Thảo khẳng định, đây là công việc rất vất vả, nhưng bản thân lựa chọn nó như muốn tuổi trẻ không trôi qua vô vị, tẻ nhạt.
“Người ta bảo, muốn thay đổi thì hãy làm những điều nhỏ bé nhất. Em cảm thấy, việc mình và các bạn làm chỉ là phần ngọn, nhưng quan trọng, qua đó chúng em muốn tuyên truyền, lan tỏa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”, Thảo khẳng định và cho biết thêm, lúc đầu tham gia dọn dẹp rác, nhiều người nói này, nói kia, bản thân cũng thấy chạnh lòng vì công sức của mình không được ghi nhận; nhưng rồi nghĩ, cuộc sống vẫn sẽ có người này, người kia, nên không thể vừa lòng hết với mọi người.
Một dòng kênh trước và sau khi được nhóm dọn dẹp |
Có lần, cả nhóm vừa dọn rác dưới một kênh nước ô nhiễm xong, thì có người dân xả rác ngay sau đó, khiến cả nhóm buồn, mặc dù đã nhắc nhưng một số người dân “bỏ ngoài tai”. Thảo cho rằng, đấy là minh chứng cho một bộ phận người dân thiếu ý thức.
Giống như Bùi Thị Thảo, chàng trai Lê Văn Thuận, giám đốc một doanh nghiệp về thiết kế nội thất tại Hà Nội cũng không đứng ngoài trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Lê Văn Thuận chia sẻ, qua kênh TikTok đã biết được nhóm và không ngần ngại liên hệ để tham gia ngay.
“Trong 2 tháng qua, tôi đã tham gia dọn rác được 8 buổi, hầu hết là vào cuối tuần và dành trọn cả ngày để thu gom rác cùng các bạn. Việc vất vả, nhưng cảm thấy mình làm có ích và tự hào về việc mình làm”, Thuận chia sẻ.
Lê Văn Thuận là một trong ít các bạn nam được lựa chọn để trực tiếp xuống nước gom rác, vận chuyển lên bờ. Thuận cho biết, buổi đầu còn bỡ ngỡ nhiều, nhưng từ buổi thứ hai đã quen hơn vì được trưởng nhóm chỉ bảo cách thao tác dưới dòng nước.
Chia sẻ thêm, Nguyễn Tiến Huy mong rằng, dự án Hà Nội xanh sẽ lan tỏa được thông điệp bảo vệ môi trường cho các bên liên quan để hỗ trợ, tuyên truyền người dân hiệu quả hơn.
“Chúng em làm việc này để cho các bạn trẻ Việt Nam thấy, để cho dự án không những Hà Nội xanh, mà mong cả 63 tỉnh, thành đều xanh”, Nguyễn Tiến Huy nhấn mạnh và cho biết, ít nhất trong một năm tới, vẫn sẽ duy trì dự án để thực hiện ước mơ bảo vệ môi trường của mình.