64 tuổi mới tập… nói!
“Giờ đây, tôi thấy bản thân mình nhẹ nhàng hơn mỗi ngày”, cô Trần Kim Soi (64 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) vui mừng chia sẻ. Theo lời kể, cô Soi bị tai biến mạch máu não gần 9 tháng trước. Một buổi sáng thức dậy, cô cảm thấy toàn thân mệt mỏi, chân tay không thể nhấc lên được, di chuyển khó khăn, nói chuyện cũng khó. Sau khi được điều trị tai biến mạch máu não tại một bệnh viện (BV) lớn ở TPHCM, cô Soi bị liệt nửa người bên trái và nói khó do di chứng của căn bệnh này. Được sự giới thiệu của người thân, cô Soi tìm đến BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TPHCM) tập VLTL-PHCN với hy vọng “tìm lại chính mình”.
Đều đặn cứ 5 ngày/tuần đến BV, sau gần 8 tháng kiên trì tập luyện, hiện tại cô Soi đã có thể tự đi lại một mình. “Giờ cô Soi có thể tự làm việc nhà và giao tiếp với mọi người xung quanh. Cô đang tiếp tục tập luyện âm ngữ trị liệu do nói vẫn còn chậm. Nhớ ngày đầu vào đây, cô Soi phải nhờ người nhà dìu đi mà giờ thì đi giỏi vậy đó”, cử nhân Nguyễn Lê Minh Xuân, Phụ trách kỹ thuật viên, Khoa VLTL-PHCN, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, kể.
Nhờ chăm chỉ tập VLTL-PHCN nên dần tự đi lại được, là trường hợp của anh Lục Rồi Hỷ (22 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa), bị liệt nửa người sau khi bị tai nạn giao thông. Anh Lục Bắc Dưỡng (anh ruột của anh Lục Rồi Hỷ) cho biết, anh Hỷ được đưa vào Khoa VLTL-PHCN của BV để điều trị nội trú được hơn 2 tuần và đã có những chuyển biến tích cực. “Ban đầu vào BV, tôi phải dìu em đi. Giờ thì tốt rồi, tôi chỉ đứng giám sát từ xa, còn em cứ tự đi”, anh Lục Bắc Dưỡng chia sẻ.
Cũng theo anh Nguyễn Lê Minh Xuân, bệnh nhân Hỷ sẽ được kỹ thuật viên tập VLTL-PHCN trung bình 3 giờ/ngày với các bài tập tại giường, tập dụng cụ và tập hoạt động. Sau đó, bệnh nhân được nghỉ ngơi và tự tập luyện. Trong quá trình tập, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người nhà những động tác đơn giản để người nhà có thể tự tập cho bệnh nhân.
Ngoài cô Soi và anh Hỷ, nhiều trường hợp khác cũng đã dần hồi phục các chức năng vận động của cơ thể nhờ kiên trì theo đuổi VLTL-PHCN. “Nhiều người sau khi hồi phục đã quay lại BV cảm ơn và tặng lại gậy, xe lăn, nệm hơi… cho các bệnh nhân khác nữa. Những hình ảnh đó thật sự vui và xúc động”, anh Nguyễn Lê Minh Xuân nói.
Ứng dụng công nghệ vào vật lý trị liệu
Tại BV Thống Nhất (TPHCM), công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong thiết bị tập VLTL-PHCN cho bệnh nhân. Cụ thể, hệ thống PHCN cánh tay, bàn tay vi tính cao cấp đã được đưa vào hoạt động để giúp bệnh nhân PHCN chi trên, sau đột quỵ hoặc chấn thương. Hệ thống PHCN cánh tay, bàn tay vi tính cao cấp bao gồm hai thiết bị là Gloreha Professional 2 (GP2) và Gloreha Active Package (GAP).
Trong đó, GP2 là thiết bị được sử dụng để tăng cường PHCN thần kinh vận động, giúp các ngón tay hoạt động tốt bằng cách sử dụng các động cơ điện truyền động. Còn GAP là hệ thống găng tay cảm biến được sử dụng để nhận biết các cử động dù là nhỏ nhất của bệnh nhân, từ đó đưa ra các tác động lực tương thích. Nhờ vậy, giúp kích thích phục hồi nhanh vùng vỏ não - vận động, đặc biệt đối với bệnh nhân tai biến mạch máu não.
“Chúng tôi đã áp dụng thử nghiệm công nghệ PHCN cánh tay, bàn tay vi tính cao cấp trên 20 bệnh nhân, kết quả rất khả quan. Kết quả cho thấy có 16 bệnh nhân thuyên giảm, 1 bệnh nhân khỏi và 3 bệnh nhân không thay đổi. Không có bệnh nhân nào nặng hơn”, BS CK1 Tô Quang Khánh, Trưởng khoa VLTL-PHCN, BV Thống Nhất cho biết.
Theo BS CK2 Đinh Quang Thanh, Cố vấn chuyên môn, Trưởng khoa VLTL-PHCN, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, người bị tổn thương thần kinh và người sau phẫu thuật cần phải tập VLTL-PHCN. Cụ thể, người bị đột quỵ, chấn thương sọ não bị liệt và sức cơ yếu thì cần phải tập luyện để duy trì sức cơ. Còn đối với bệnh nhân sau phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật do gãy xương thì khi tập luyện sẽ giúp bệnh nhân duy trì sức mạnh cơ và tầm độ khớp, giúp bệnh nhân di chuyển an toàn.
Tập luyện VLTL-PHCN sớm và phù hợp sẽ giúp bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường, có thể tự đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bản thân, tránh phụ thuộc vào người khác. BS Đinh Quang Thanh cũng nhận định, VLTL-PHCN rất quan trọng. Người không tập sẽ dẫn đến tình trạng cơ yếu, vận động khớp bị giới hạn, khả năng di chuyển kém, kém tự tin, từ đó chất lượng cuộc sống giảm.