Thống kê của Viện Huyết học Truyền máu trung ương, tỷ lệ người mang nhóm máu Rh- ở Việt Nam rất hiếm (chiếm khoảng 0,04% - 0,07% dân số), nên Ngân hàng máu không có sẵn lượng máu Rh- dự trữ để điều trị cho những bệnh nhân có nhóm máu đặc biệt này.
Tuy nhiên, tại TPHCM đã liên kết được 285 thành viên có nhóm máu Rh- thông qua Câu lạc bộ (CLB) Máu hiếm để cùng hiến máu cứu người, hồi sinh nhiều cuộc đời.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, những người thuộc nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau. Trong trường hợp truyền nhầm nhóm máu Rh+ cho Rh- thì người nhận máu sẽ bị nhiều tai biến về miễn dịch, thậm chí dẫn đến tử vong.
Chính vì vậy, khi cần truyền máu, những người có nhóm máu hiếm luôn gặp khó khăn trong việc tìm nhóm máu tương thích. Vì vậy, năm 2001 CLB Máu hiếm ra đời với sự quản lý của Trung tâm Hiến máu nhân đạo - Hội Chữ thập đỏ TPHCM, đến nay đã tròn 17 năm hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên thường trực CLB Máu hiếm, cho biết từ khi thành lập đến năm 2014, CLB Máu hiếm hoạt động với hình thức kêu gọi thành viên cho máu theo nhu cầu của các bệnh viện tại TPHCM. Thế nhưng, để chủ động nguồn máu hiếm dự trữ cho cấp cứu và điều trị, từ năm 2015, CLB đã huy động các thành viên hiến máu định kỳ 3 tháng/lần. CLB Máu hiếm đã đóng góp lượng máu Rh- đáng kể cho các bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh lân cận. Lượt người hiến máu tăng đều qua các năm.
“Ban đầu CLB chỉ có vỏn vẹn 12 thành viên, đến nay đã phát triển lên 285 người. Thành viên của CLB chủ yếu sinh sống tại TPHCM, mỗi người một ngành nghề (công nhân, lao công, sinh viên, phụ hồ…) nhưng ở họ đều có điểm chung chính là lòng nhân ái”, bà Ngọc Bích chia sẻ.
Là người có số lần hiến máu nhiều nhất trong CLB, ông Lâm Văn Vinh (55 tuổi) có tổng cộng 44 lần hiến máu, trong năm nay ông đã 4 lần tình nguyện hiến máu. “Mình không có tiền thì mình hiến máu để giúp người khác, đó như là tấm lòng của mình gửi tặng người đang bệnh tật cần truyền máu”, ông Vinh bày tỏ.
Còn bà Châu Thị Hai (ngụ tại TPHCM, thành viên của CLB) mặc dù đã 59 tuổi nhưng vẫn hăng hái đạp xe đi hiến máu định kỳ 3 tháng/lần. Bà Hai cho biết, 3 thành viên còn lại trong gia đình đều tham gia hiến máu tình nguyện mặc dù không thuộc nhóm máu hiếm. Năm sau đã hết tuổi được hiến máu, nhưng bà Châu Thị Hai vẫn xin được tiếp tục hiến máu đến khi sức khỏe không cho phép thì mới dừng lại.
Giờ đây, với 34 lần hiến máu, phần thưởng mà bà nhận được là những bằng khen của UBND TPHCM về việc làm mang nghĩa cử cao đẹp của mình và sự nể phục của thế hệ con cháu trong CLB Máu hiếm.
Tròn 17 năm hoạt động, ngoài việc cung cấp nguồn máu hiếm lớn cho dự trữ, CLB cũng đã kết nối để các thành viên có máu hiếm trực tiếp hiến máu cứu được nhiều người. Hoạt động âm thầm, không ồn ào nhưng rất nghĩa tình và hiệu quả là những gì CLB Máu hiếm đã thể hiện qua chặng đường dài hoạt động.
Tại Việt Nam có 6 CLB máu hiếm với tổng số khoảng 1.200 thành viên, gồm: CLB Máu hiếm TPHCM; CLB Người nhóm máu hiếm khu vực miền Trung; CLB Người nhóm máu hiếm của Viện Huyết học Truyền máu trung ương; CLB Người nhóm máu hiếm TP Đà Nẵng; CLB Người nhóm máu hiếm khu vực Đông Nam bộ; CLB Người nhóm máu hiếm khu vực Tây Nam bộ. |