Khi phát hiện ra giá trị của giống sâm quý này, ông Vừ Vả Nù ở bản Huồi Giảng 2 đã vào rừng sâu đưa sâm về trồng thử nghiệm trong những khu vườn gần nhà. Ông Nù cho biết, để đưa được giống sâm này trong rừng sâu về, mỗi đợt đi tìm ông phải mất mấy ngày lội rừng.
Đúng như tên gọi, cây này chỉ có 7 lá và 1 hoa. Khi cây ra đến lá thứ 7 cũng đồng nghĩa được 7 năm tuổi và bắt đầu thu hoạch. Mỗi cây chỉ có 1 củ, trọng lượng khoảng 700g đến 1kg.
“Hiện nay, người ta đến tận vườn thu mua 1 triệu đồng/kg, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Năm ngoái, với một khoảnh vườn nhỏ, tôi bán được 40 triệu đồng”, ông Nù phấn khởi.
Từ mô hình của ông Vừ Vả Nù, một số hộ dân ở xã Tây Sơn bắt đầu học theo. Trong số này, đáng chú ý có anh Vừ Bá Tủa. Sau khi ông Nù trồng thành công sâm quý, anh Tủa cất công tìm hiểu loài sâm này và mở rộng mô hình trồng. Với 4.000m2 đất vườn, anh Tủa đã trồng được 1.000 cây.
Anh đang phấn đấu trồng thêm 5.000 cây để phủ hết diện tích đất. “Sâm này hợp với thổ nhưỡng ở đây nên cứ trồng xuống là sống, không cần phân bón, không cần chăm sóc, vì nó sống tự nhiên như trong rừng sâu. Kiên trì 5 năm là bắt đầu có tiền triệu. Với bà con người Mông chúng tôi thì đây như là tiền trên trời rơi xuống, trời cho”, anh Tủa vui vẻ.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, theo tìm hiểu, cây sâm 7 lá 1 hoa được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 1996, được đánh giá là hiếm, đang được đề nghị đưa vào trồng để bảo vệ nguồn gen. Qua khảo sát, với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, đất đai màu mỡ và diện tích đất rừng khá lớn, xã vùng cao Tây Sơn có thể nhân rộng và trồng đại trà loài dược liệu quý này dưới tán rừng samu, pơmu.
Ngay khi phát hiện giống sâm quý 7 lá 1 hoa, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp nghiên cứu, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho bà con. Hiện có 9 hộ dân ở xã Tây Sơn trồng thử nghiệm loài sâm này với diện tích 7ha.
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An, thông tin, tỉnh đã xây dựng đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn, tập trung ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Ban Dân tộc Trung ương cũng đã có dự án hỗ trợ huyện Kỳ Sơn phát triển cây dược liệu. Hiện có 3 doanh nghiệp lớn đang khảo sát để triển khai trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, ngoài sâm 7 lá 1 hoa, địa bàn này còn có các loài dược liệu quý như: lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, la hán quả, hà thủ ô đỏ..., đặc biệt là sâm Puxailaileng. Sâm Puxailaileng mọc trên núi Puxailaileng có độ cao hơn 2.700m so với mực nước biển, được các nhà khoa học đánh giá là có chất lượng ngang bằng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum. Mới đây, lần đầu tiên sâm Puxailaileng được nhân giống từ mô tế bào với tỷ lệ thành công khoảng 30%. |