Đường phố đang đông dần người lên, không chỉ “đội quân” shipper đủ màu áo mà công sở, công ty, khu vực sản xuất… đang “kích hoạt” dây chuyền hoạt động, vận hành trở lại.
Đó là những tín hiệu chuẩn bị cho một trạng thái xã hội từ sau ngày 30-9: hồi sinh trên từng chuyển động khá cẩn trọng, các bước chuyển tiếp gần như không ồ ạt mà nới dần bằng các phép tính toán thay thế rộng hơn nhưng vẫn đảm bảo mức độ kiểm soát rủi ro.
“Rủi ro” là tiền tố giả định cho mọi kịch bản ứng phó, kiểm soát tình hình khi chúng ta quyết định “sống chung với virus”, từng bước mở cửa hoạt động xã hội trở lại. Bất cứ tính toán, lựa chọn nào dễ dẫn tới rủi ro phải thay thế, loại bỏ. Trong đó, trọng tâm vẫn là chiến lược bảo vệ an toàn sức khỏe người dân trước khi/trong khi bảo toàn chiến lược kinh tế - xã hội.
Người dân, từ cá thể đến hộ gia đình; doanh nghiệp - đơn vị vừa là mục tiêu vừa là chủ thể chính của quá trình “hồi phục” này: từ việc hoàn thành đủ liều vaccine, tuân thủ 5K mọi lúc, mọi nơi, cho đến được khuyến khích tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên định kỳ, chủ động đảm bảo các phương án và chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch… Chính quyền thành phố với vai trò, chức trách quản lý vĩ mô, bên cạnh việc đảm bảo cung cấp, duy trì các hạ tầng cơ sở y tế, công nghệ… thì yếu tố then chốt là phải sớm ban hành các bộ tiêu chí, công cụ quản lý, kiểm soát vốn được hình thành từ dữ liệu thực tế, số hóa các thống kê chính xác, theo thời gian thực.
Một thử thách không nhỏ là năng lực và chất lượng, hiệu quả của bộ máy cơ sở quận huyện, phường và các đơn vị đóng trên địa bàn đối với bước chuyển hướng của chiến lược điều trị, chăm sóc và quản lý F0. Ngay cả cách thức để vận hành hiệu quả hơn mô hình Trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng cũng cần được tăng cường chất lẫn lượng, chuyên môn lẫn chính sách, chế độ nhằm phát huy ưu thế “đánh chặn từ xa” này.
Với Chỉ thị tăng cường các biện pháp kiểm soát, thích ứng an toàn, hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn của UBND TPHCM, 3 mũi nhọn hoạt động y tế - công nghệ - an sinh, an toàn xã hội tiếp tục duy trì các tiêu chí nền tảng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Đồng thời linh hoạt phân lập “biểu đồ sức khỏe”, khả năng và lợi thế phục hồi của từng vùng, khu vực để có những giải pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro cũng như tập trung đầu tư, tăng tốc phát triển các ngành, lĩnh vực đang có sức bật nhanh, tác động lớn về hiệu quả kinh tế - sản xuất.
Sự ra đời của Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế quận 7 vào ngày 26-9 là một ví dụ. Việc đầu tiên, cũng là thí điểm của quận là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác tạo nền tảng để theo dõi, kiểm soát, điều phối, chỉ huy mọi hoạt động y tế, kinh tế, xã hội trên toàn quận. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cơ sở thí điểm của quận 7 chính là việc đã kiểm soát được dịch bệnh trên 3 trụ cột: vaccine, an sinh xã hội và quản lý F0. Đồng chí nhắc lại quan điểm “an toàn thì mới mở cửa, mở cửa thì phải an toàn”, “an toàn thì mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn” để khẳng định tính mấu chốt của công nghệ, của tính chính xác, minh bạch trong dữ liệu, tích hợp và phân tích dữ liệu để có được các giải pháp tối ưu, sát thực tế.
Kinh tế, xã hội là một cơ thể, vì thế thành phố phối hợp để tăng cường mạnh mẽ, thực chất hơn nữa tính liên kết vùng, mà trước hết là với các địa phương bạn như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang. Thực tế, trong chuỗi kết nối giao thông và chuỗi cung ứng lao động, TPHCM, UBND thành phố đã và đang xúc tiến các chương trình đón người lao động từ các tỉnh trở lại thành phố, bàn bạc, thống nhất để chuẩn hóa các điều kiện lưu thông qua các địa bàn khu vực trọng điểm. Vấn đề là đảm bảo an toàn cho người dân, lao động mà không gây cản trở, khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp và chính nhân dân. Đây là bài toán không dễ giải.
3 tháng cuối của một năm đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng là cơ hội để trên những bài học thực tiễn đã trải nghiệm, thành phố sẽ bước tiếp trong trạng thái: phòng ngừa, kiểm soát rủi ro để từng bước hồi sinh bằng “kháng thể” tự lực, nội sinh.