Sách bán chạy và câu chuyện đằng sau
Sách bán chạy nhất hội sách luôn là một thông tin được giới làm sách quan tâm, bởi nó được cho là phản ánh nhu cầu chung của thị trường. Năm nay, có một câu chuyện khá độc đáo đã xảy ra, cuốn tiểu thuyết mới nhất của tiểu thuyết gia Mỹ Dan Brown với nhan đề Nguồn cội (Công ty CP sách Bách Việt liên kết cùng NXB Lao Động xuất bản) có sức mua tăng theo từng ngày hội sách. Ngày đầu trên 200 cuốn, ngày tiếp theo là hơn 400, tiếp nữa lên trên 700… Việc cuốn sách này bán chạy không có gì lạ vì cái tên Dan Brown là một bảo chứng cho sự ăn khách, cả trên thế giới hay Việt Nam.
Điều lạ là so với Hội sách TPHCM lần thứ 8 (năm 2014) khi mà cuốn Hỏa ngục cũng của Dan Brown là tác phẩm gây bùng nổ hội sách, là cuốn sách bán chạy nhất trong 3 ngày đầu, thì lần này, tốc độ bán của Nguồn cội lại trước ít, sau nhiều. Theo đại diện của Bách Việt, lần này vì nhiều lý do, họ hầu như không chuẩn bị gì cho việc quảng bá tác phẩm nên bạn đọc phải đến khi tham quan hội sách mới biết tác phẩm vừa ra mắt để tìm mua. Những ngày sau đó, do thông tin lan truyền, số lượng sách bán được mới bắt đầu tăng ngày càng cao. Câu chuyện này cũng diễn ra ở một loạt tác phẩm bán chạy nhất khác.
Trong hai ngày đầu 19 và 20-3, hai cuốn sách Người xưa đã quên ngày xưa của tác giả Anh Khang và Bão lửa U23 - Thường Châu tuyết trắng (tập sách về đội tuyển U.23) vắng bóng trong danh sách sách bán chạy. Thế nhưng, sau hai cuộc giao lưu vào sáng và chiều ngày 21-3, cả hai cuốn sách trên lập tức xuất hiện trong danh sách sách bán chạy nhất trong các ngày tiếp theo.
Giao lưu với bạn đọc tại Hội sách TPHCM 2018
Câu chuyện những cuốn sách bán chạy kể trên phản ánh cùng lúc hai vấn đề. Đầu tiên là tầm quan trọng của quảng bá sách hiện nay, khi các cuốn sách đều thuộc loại sách nổi tiếng, thời sự nhưng lại ít được bạn đọc biết đến. Phải đến khi có các hoạt động truyền thông, các sự kiện giới thiệu sách, sách mới nhận được sự chú ý. Thậm chí, trong số đó có tác phẩm của Anh Khanh, cây bút được nhiều bạn đọc trẻ yêu quý thời gian qua, nhưng ngay tại buổi ra mắt sách của Khang vào chiều 21-3, nhiều bạn đọc trẻ mới ngạc nhiên khi biết anh có tác phẩm mới.
Nhưng vấn đề thứ hai mới là điều đáng chú ý, đây là lần hiếm hoi Hội sách TPHCM diễn ra mà không có những đầu “sách nóng”, những đầu sách mà trước khi hội sách diễn ra được kỳ vọng, được trông chờ sẽ thu hút bạn đọc. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, Hội sách TPHCM đã phản ánh một thực tế là người làm sách trong nước đang bối rối, không biết bạn đọc muốn điều gì. Còn nhớ Hội sách TPHCM lần VIII là sự bùng nổ của sách do người trẻ viết, Hội sách TPHCM lần IX là sự ra mắt hoành tráng của dòng tiểu thuyết lịch sử, hồi ký…
Còn Hội sách TPHCM lần X mở màn là sự im ắng, ngay cả hai đề tài khởi nghiệp và giáo dục trẻ em vốn được xem là nóng nhất 2016 - 2017 thì nay cũng chìm lắng. Có thể nói, chưa bao giờ giới làm sách lâm vào cảnh bối rối như hiện nay, khi không biết dòng sách nào sẽ thu hút bạn đọc trong thời gian tới và cũng vì thế, danh sách sách bán chạy nhất tại Hội sách TPHCM được chờ mong là sẽ cung cấp những thông tin về nhu cầu hiện nay của bạn đọc để người làm sách có thể tham khảo cho việc thực hiện những dòng sách mới.
Vươn tầm thế giới
Ngay khi Hội sách TPHCM đang diễn ra thì Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu đại diện các đơn vị xuất bản với bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt - một trong những hội chợ sách lâu đời và lớn nhất thế giới hiện nay. Bà Claudia Kaiser đã trình bày thực trạng ngành xuất bản thế giới hiện nay và như một điều tình cờ, Hội sách TPHCM lần thứ X đã là minh chứng cho thấy xuất bản Việt Nam có sự gắn bó chặt chẽ với xuất bản thế giới.
Sách điện tử (ebook) trở về với đúng bản chất là điều đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam. Sau những háo hức, bùng nổ ban đầu như đã diễn ra ở các hội sách trước, thì giờ đây ebook đã biến mất khỏi hội sách lần này. Vẫn còn các đơn vị xuất bản làm ebook nhưng họ chỉ mang đến sách giấy và đồng loạt “tạm quên” ebook. NXB Trẻ, đơn vị mặn mà nhất với ebook thì năm nay cũng chỉ dành một khu vực kiêm tốn cho ebook. Năm nay cũng ghi nhận sự vắng bóng các đơn vị chuyên làm ebook vốn rất năng động trong những lần hội sách trước. Có thể nói, Hội sách TPHCM lần thứ X đã chính thức đặt dấu chấm hết cho ebook chính thống ở Việt Nam, ít nhất là cho đến khi bản thân ebook có được sự thay đổi, thay vì chỉ là bản số hóa của sách giấy như hiện nay.
Hội sách TPHCM ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu sách mang tính chuyên môn hóa cao. Tiêu biểu có thương hiệu sách “Sống” của Alpha Book, đây là thương hiệu sách dành riêng cho các tác giả trong nước, viết về những vấn đề thời sự, về những điều mà người trẻ quan tâm. Tại hội sách, thương hiệu này giới thiệu cuốn sách Bão lửa U23 - Thường Châu tuyết trắng viết về đội tuyển U.23 Việt Nam. Cũng dịp này, NXB Kim Đồng giới thiệu thương hiệu “Wings Books” - một sân chơi dành riêng cho các tác giả trẻ viết về những điều mà người trẻ quan tâm. Đặc biệt, Wings Books còn là nơi để người trẻ thử nghiệm từ cách viết, thể hiện đến cả những hình thức trình bày, công nghệ in ấn… Như đại diện NXB Kim Đồng cho biết, là nơi đón nhận mọi cái mới của tác giả trẻ. Công ty sách Saigon Books cũng xây dựng một cuộc thi viết có nhan đề “Người Việt viết sách”, đây được xem là sự chuẩn bị cho một dòng sách riêng của đơn vị này. Theo bà Claudia Kaiser, trước sức ép từ các đại gia trong lĩnh vực công nghệ, có quy mô phát hành toàn cầu như Google, Apple, Amazon… thì các tập đoàn xuất bản thế giới đã ứng phó bằng cách xây dựng các thương hiệu sách riêng, mang tính chuyên sâu, chuyên môn cao. Việc các đơn vị làm sách đầu tư cho các mảng sách có ưu thế riêng cho thấy sự chuẩn bị của các đơn vị xuất bản trong nước với những xu thế mới đang diễn ra trên toàn cầu.
Mừng trước lo sau
Năm 2017, Việt Nam xuất bản 30.800 tên sách với hơn 312 triệu bản, mức hưởng thụ bình quân đạt khoảng 3,3 bản sách/người/năm. Đó là những con số tổng kết về sách ở Việt Nam, rõ ràng xét về mặt bản sách/người vẫn còn quá ít, thậm chí ít hơn cả mục tiêu 4 bản sách/người/năm được đề ra cách nay hơn 10 năm. Thế nhưng, một điều không thể phủ nhận là sách vẫn đang phát triển, người đọc sách nhất là người trẻ đang ngày càng tăng cao. Đã xuất hiện những đơn vị làm sách lớn, chuyên nghiệp và nhanh nhạy nắm bắt thị trường, đã xuất hiện các nhà in hiện đại cấp khu vực, đã có các đơn vị phát hành đủ trọng lượng để trao đổi ngang hàng với các tập đoàn xuất bản nước ngoài. Đó là những tín hiệu tích cực mà không ai có thể phủ nhận. Tại Hội sách TPHCM lần thứ X, những tín hiệu này được thể hiện rõ nét.
Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng chính ở hội sách cho thấy một thực tế là thị trường sách trong nước vẫn đang thiếu một định hướng chung. Những người làm sách bối rối tìm nhu cầu bạn đọc, bạn đọc bối rối tìm sách ưng ý để đọc. Đã và đang thiếu những định hướng lớn cho thị trường sách trong nước, những định hướng hỗ trợ sáng tác, xuất bản, quảng bá cho những đầu sách hay, phù hợp với tình hình thực tế và quan trọng nhất là đáp ứng những nhu cầu của bạn đọc hiện nay.