Đầu tiên, là nguyên nhân “vô duyên” đến từ các đơn vị nhà nước. Đó là cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè, nếu tính từ khi phê duyệt dự án vào năm 2001, đến nay là 22 năm chỉ một nguyên nhân duy nhất là không có mặt bằng sạch. Hiện nay công trình phải dừng lại vì chờ Công ty Điện lực Duyên Hải di dời hệ thống điện trung, hạ thế dọc tuyến; các đơn vị viễn thông di dời đồng bộ dây thông tin trên trụ điện để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiểm tra tiến độ xây dựng cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Tại công trình hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, cũng rơi vào cảnh tương tự, khởi công xây dựng tháng 4-2020, hiện mới chỉ làm khoảng 35% khối lượng rồi dừng hẳn lại. Lý do là chờ di dời hệ thống cấp nước, điện cao thế 220kV, hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng.
Vì sao nói “vô duyên”? Bởi vì chỉ vướng những công trình của Nhà nước mà để dự án kéo rê chính là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan công quyền. Nếu như quyết tâm thực hiện, làm cho nhanh thì huy động máy móc, công nhân, làm ngày làm đêm di dời là xong, việc gì còn lại thì giữa các cơ quan nhà nước “đóng cửa bảo nhau”. Nếu sớm hoàn thành 2 công trình này không chỉ góp phần giải ngân đầu tư công mà còn phục vụ đời sống dân sinh tốt hơn.
Một dạng công trình khác ì ạch cũng không đáng có, ví dụ như dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, TP Thủ Đức. Dự án dài 2,8km, khởi công từ tháng 2-2020, vốn đầu tư khoảng 42 tỷ đồng. Hiện tại đơn vị thi công đã “bỏ của chạy lấy người”, để lại bao phiền toái, hiểm nguy cho người dân khi đi qua tuyến đường này. Vừa qua, Sở GTVT TPHCM kiến nghị TP thanh tra toàn diện dự án, xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, với những công trình kiểu này, TP cần rà soát chốt lại các hạng mục đã triển khai, thay nhà thầu ngay lập tức để thi công xong những việc còn lại. Không vì xử lý sự chậm trễ của nhà thầu, của đơn vị thi công mà dẫn tới tình trạng dự án bị kéo rê, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tiếp đó, nhóm công trình dang dở vì nhiều lý do khác nhau, phải cần có một cách tiếp cận xử lý rốt ráo. Đó là tuyến đường Vành đai 2, quy hoạch cách nay 16 năm, tổng chiều dài 64km, hiện chỉ còn 14km nữa là hoàn thành, lại bị “đắp chiếu”. Tiếp đó, công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng, sau thời gian thi công thì dừng hẳn lại. Hay công trình thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân, cũng là động lực phát triển của TPHCM, đó là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cần phải nhanh chóng đưa vào vận hành thương mại…
Rõ ràng, vấn đề ở đây phải có giải pháp dứt khoát: phân loại những vướng mắc nào thuộc trách nhiệm của TP thì chiếu theo nhiệm vụ mà phân loại giao cho từng sở, ban, quận, huyện, đi kèm với thời gian hoàn thành cụ thể. Đối với những vấn đề vượt cấp thì kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét giải quyết...
Đối với đầu tư công, năm nay Chính phủ phân bổ hơn 70.000 tỷ đồng, nếu hấp thụ tốt có thể hình dung: Dự án ở TPHCM được thi công tưng bừng, nguồn tiền sẽ lan tỏa ra xã hội giải quyết công ăn việc làm, tiêu thụ vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, cát, đá…, mua sắm tiêu dùng… sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho việc phục hồi kinh tế. Dưới góc nhìn bao quát, chúng ta có thể xem giai đoạn này chính là cơ hội bản lề phát triển của TP, những công trình hoàn thành sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước, kẹt xe, thiếu trường học, bệnh viện quá tải - là những mong mỏi rất lớn của người dân từ bao năm nay.