Chiều 6-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, kiêm Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, chủ trì.
* Tại họp báo, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã thông tin liên quan đến vấn đề phụ huynh bức xúc về tình trạng có quá nhiều khoản thu bất hợp lý vào đầu năm học.
Theo đó, vào đầu năm học Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các nội dung thu chi và triển khai các nội dung thu chi tại các trường học. Tuy nhiên, khi thực hiện nội dung này thì một số lãnh đạo nhà trường, một số giáo viên chủ nhiệm chưa triển khai rõ mục đích của các nội dung, gom gộp lại các khoản thu.
Sở đã có văn bản phê bình đối với những hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị xảy ra tình trạng này. Sở cũng đã ban hành văn bản chấn chỉnh, ghi rõ những nội dung nào không được thu.
“Bản thân tôi cảm thấy rất buồn vì những vụ việc gây hoang mang, mất thiện cảm đối với phụ huynh học sinh. Tôi cũng rất bức xúc về cách làm, những việc làm chưa đúng quy định, chưa thể hiện rõ được cống hiến của phụ huynh học sinh, các mạnh thường quân trong việc thực hiện các nội dung, tổ chức các hoạt động tại nhà trường”, ông Hồ Tấn Minh bày tỏ.
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM thông tin thêm, Hội Phụ huynh chỉ có 1 quỹ duy nhất và quỹ này chỉ làm một việc duy nhất là phục vụ hoạt động của hội. Những hoạt động của hội cũng không được đại diện cho nhà trường để vận động tài trợ và các nội dung khác.
Việc vận động tài trợ nhà trường phải cụ thể, minh bạch, rõ ràng, công khai. Còn nhà trường muốn vận động tài trợ thì phải có kế hoạch và phải được cấp quản lý duyệt kế hoạch đó.
Tuy nhiên, một số trường vẫn còn tình trạng thiếu công khai thông tin việc kêu gọi tài trợ. Sở đã ra văn bản phê bình hiệu trưởng có sai sót. “Sắp tới ngành giáo dục sẽ rà soát chấn chỉnh lại những việc này để khi phụ huynh đưa con đến trường là niềm vui chứ không phải áp lực”, ông Hồ Tấn Minh khẳng định.
* Về trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM, theo bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), không có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Bà Lê Hồng Nga cho biết, đây là trường hợp lây nhiễm ở nước ngoài. Khi có triệu chứng bệnh thì mức độ tiếp xúc chưa nhiều nên nguy cơ lây lan từ ca này là rất thấp, thậm chí không có trong cộng đồng.
Còn việc có nguy có xuất hiện các ca bệnh nữa hay không, Phó Giám đốc HCDC nhận định, với mức độ giao lưu, tiếp xúc như hiện nay thì xuất hiện ca bệnh xâm nhập nữa hoàn toàn có thể xảy ra.
Vì vậy, hệ thống giám sát ở sân bay, cơ sở y tế… tiếp tục được củng cố để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, thông qua các tổ chức tiếp cận cộng đồng, Sở Y tế TPHCM tiếp tục truyền thông các dấu hiệu phát hiện bệnh để truyền tải cho cộng đồng những người có nguy cơ.
Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế sẽ cân nhắc về vaccine, mô hình dịch bệnh để quyết định phác đồ tiêm, tiêm vaccine gì. Do đó, bà Nga khuyến cáo người dân không quá lo lắng, vì đây là bước chuẩn bị, khi có biện pháp cụ thể thì sở sẽ triển khai tiếp tục.
Liên quan thông tin Sở Y tế TPHCM tìm 579 nhân viên y tế không cho con tiêm vaccine phòng Covid-19, ông Phạm Đức Hải cho biết, đây là công việc nội bộ của sở. Mục đích của việc này không phải để bắt buộc nhân viên y tế đưa con mình đi tiêm mà là nắm chắc thông tin để đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
* Cũng tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ việc kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn, nhất là trước chu kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, thời gian qua một số doanh nghiệp đề nghị tạm dừng cung cấp xăng dầu do không nhập khẩu hoặc bị dừng phân phối. Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TPHCM để nắm tình hình.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, sở đã tham mưu UBND TPHCM báo cáo Bộ Công thương, đề xuất một số nội dung liên quan về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhận định, tình hình nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TPHCM hiện nay tương đối ổn. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nhiều nỗ lực, giải pháp khắc phục khó khăn để đảm bảo duy trì nguồn cung cho hệ thống. Tuy nhiên, với những khó khăn do tình hình chung hiện nay và một số lý do khách quan dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tạm hết mặt hàng xăng hoặc dầu, thiếu hàng cục bộ.
Bên cạnh đó, sở sẽ phối hợp với Cục Quản lý Thị trường, các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo việc đảm bảo cung ứng, phân phối và bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Đồng thời, phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ việc kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn, nhất là trước chu kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu.