Với mục tiêu đứng vào tốp 100 trường đại học đào tạo chuyên ngành kinh tế của thế giới, Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đã và đang có những bước đi đột phá, sáng tạo trong việc sắp xếp lại tổ chức, xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, mang tri thức thế giới vào giảng dạy cho sinh viên.
Chương trình đào tạo đại trà tiên tiến
Năm học 2016 - 2017, UEH trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên áp dụng chương trình đào tạo quốc tế cho toàn bộ chương trình đào tạo đại trà (trừ ngành tiếng Anh thương mại và ngành Kinh tế chính trị). Chương trình được xây dựng trên nền tảng triết lý: Dạy những gì các trường đại học tiên tiến trên thế giới đang dạy; dạy bằng phương pháp các trường đại học tiên tiến trên thế giới đang sử dụng (các cơ sở học liệu, công cụ hỗ trợ giảng dạy kèm theo), từ đó nâng tầm năng lực của người dạy và người học ngang với giảng viên, sinh viên các nước trong khu vực Đông Nam Á (chuyên môn, tiếng Anh).
UEH đã cụ thể hóa triết lý này bằng cách tham khảo chương trình các trường hàng đầu thế giới, trong đó nghiên cứu chương trình giảng dạy bậc cao học của các trường trong tốp 100 và bậc đại học của các trường trong tốp 200 để xây dựng lại chương trình giảng dạy của UEH. Trường cũng áp dụng giáo trình quốc tế và giảng dạy bằng tiếng Việt. Các giáo trình này được dịch có bản quyền sang tiếng Việt cho năm 1 và 2 của bậc đại học. Đến năm thứ 3, 4 bậc đại học và toàn bộ bậc cao học, sinh viên sẽ sử dụng trực tiếp giáo trình tiếng Anh của đại học các nước: Hoa Kỳ, Anh quốc, Hà Lan, Phần Lan, Australia… Tại bậc tiến sĩ, nghiên cứu sinh sẽ phải thực hiện luận án theo chuẩn quốc tế, viết bằng tiếng Anh và công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học hoặc trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI hay Scopus.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM trong lễ tốt nghiệp
Chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế sẽ giúp sinh viên ra trường được thừa nhận trên thị trường lao động quốc tế và được liên thông một cách đầy đủ tại các trường đại học nước ngoài; các sinh viên đang học có nhiều cơ hội tham gia các chương trình 2+2 bậc cử nhân, 1+1 bậc thạc sĩ và 1+3 bậc tiến sĩ với các trường hàng đầu thế giới. Chuẩn hóa, quốc tế hóa các chương trình đào tạo sẽ giúp các khoa, viện có cơ hội liên kết, hợp tác đào tạo với các trường nước ngoài. Mặt khác, số lượng sinh viên nước ngoài đến trường theo học lấy tín chỉ hoặc lấy bằng UEH (inbound) trong năm qua đã gia tăng nhanh chóng.
“Hội nhập quốc tế trong trường đại học trước hết là hội nhập về đào tạo; nói khác đi cần quốc tế hóa chương trình đào tạo, sinh viên và giảng viên. Chúng tôi dạy những gì các trường đại học hàng đầu thế giới đang dạy và hướng theo cách, phương pháp mà họ đang sử dụng. UEH đã triển khai thực hiện chương trình bậc thạc sĩ từ tháng 9-2015 và với bậc đại học từ tháng 9-2016. Sinh viên đang theo học với thái độ hứng thú và tiếp thu kiến thức nhanh và rộng hơn, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế”, ông Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết.
Đến các chương trình liên kết quốc tế
Ngoài việc áp dụng chương trình đào tạo quốc tế cho toàn bộ chương trình đào tạo đại trà, UEH còn hợp tác với Viện đào tạo Quốc tế ISB đào tạo chương trình cử nhân kinh doanh Western Sydney - BBUS do Đại học Western Sydney (WSU), Australia giảng dạy và cấp bằng. Học sinh tốt nghiệp THPT với điểm trung bình 12 hoặc 8.0 trở lên hoặc trúng tuyển vào trường đại học tại Việt Nam, đạt trình độ tiếng Anh tương đương 5.5 trở lên hoặc đạt ít nhất 60% bài thi tiếng Anh đầu vào của WSU do UEH-ISB tổ chức. Sinh viên học 3 năm tại Viện Đào tạo Quốc tế ISB - Trường Đại học Kinh tế TPHCM hoặc học theo hình thức 1+1 (2 năm tại UEH-ISB và 1 năm du học tại Australia). Chương trình bao gồm 24 môn học, chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (1,5 năm), sinh viên hoàn thành 12 môn học chung, được đào tạo kiến thức từ tổng quát đến chi tiết về lĩnh vực kinh tế trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn 2 (1,5 năm), sinh viên học chuyên ngành sau khi đạt được trình độ tiếng Anh IELTS 6.5 hoặc đạt ít nhất 80% bài thi tiếng Anh đầu vào của WSU do UEH-ISB tổ chức. Chương trình bao gồm 12 môn học, được chia làm 3 học kỳ.
Một chương trình khá đông học sinh đăng ký tham gia là cử nhân liên kết quốc tế giữa UEH và Đại học Victoria of Wellington. Đại học Victoria of Wellington hiện xếp đầu New Zealand về chất lượng nghiên cứu. Bằng cử nhân thương mại do Victoria of Wellington cấp thuộc nhóm 72 văn bằng được nhận “Triple Crown” (AACSB, AMBA và EQUIS). Thời gian đào tạo bằng cử nhân thương mại của Victoria là 3 năm, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (1,5 năm) học tại UEH, giai đoạn 2 (1,5 năm) học tại Đại học Victoria of Wellington. Chương trình đào tạo nhiều chuyên ngành: Tài chính, Marketing, Quản trị, Kinh doanh quốc tế, Luật Thương mại, Kế toán, Hệ thống thông tin, Kinh tế học, Thuế, Chính sách công, Quản trị nhân sự và Quan hệ lao động, Định phí bảo hiểm, Quản trị du lịch. Sau khi tốt nghiệp từ Victoria of Wellington, các sinh viên có năng lực sẽ tìm được triển vọng nghề nghiệp ở nhiều loại hình công việc trên toàn thế giới. Một số cựu sinh viên của chương trình được tuyển dụng vào khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam và đang làm việc tại các công ty như KPMG, ANZ, Hàng không Việt Nam, HSBC, Petro Vietnam, Unilever, Vietsopetro, Fonterra, British Council…
Trường ĐH Kinh tế còn liên kết với Trường Kinh doanh quốc tế SolBridge trực thuộc Trường Đại học Woosong, Hàn Quốc tuyển sinh chương trình đào tạo đại học (4 năm) và thạc sĩ (2 năm) với mức học bổng hỗ trợ lên đến 70%. SolBridge áp dụng mô hình đào tạo và phương pháp giảng dạy theo chuẩn quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn sinh viên đã đầu quân cho những tập đoàn lớn như Samsung Electronics, Korean Air, International Taekwon-Do Federation, Daelim Seafood, hoặc trở về Việt Nam làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia.
Chương trình tiên tiến quốc tế được UEH chuẩn bị trong 5 năm (từ 2011) với tổng kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 30 tỷ đồng cho chất xám và học liệu. Mức học phí của chương trình tiên tiến quốc tế bằng với chương trình đào tạo đại học đại trà là 17,5 triệu đồng/năm và giữ ổn định trong suốt 4 năm học.