Nhập siêu văn hóa
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Hữu Thỉnh, ngày 30-4-1975 được xem là một bước ngoặt vĩ đại, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ chiến đấu giành độc lập, tự do thống nhất đất nước sang tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng hành cùng dân tộc suốt 45 năm qua, VHNT đã có bước phát triển chưa từng có, vươn lên một tầm cao mới trên cả 4 nhiệm vụ: Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, xây dựng đội ngũ và hội nhập quốc tế.
45 năm qua, từ lúc chỉ có một số hội chuyên ngành và một số hội văn nghệ ở một vài địa phương, Liên hiệp các Hội VHNT không ngừng phát triển, đến nay có 74 tổ chức thành viên với trên 40.000 văn, nghệ sĩ, trong đó có 203 văn, nghệ sĩ được Giải thưởng Nhà nước; 111 văn, nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, 45 năm qua, liên hiệp và các tổ chức thành viên đã có nhiều sáng kiến mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân với các đối tác truyền thống và phi truyền thống thông qua việc chủ động tham gia và tranh thủ mọi cơ hội để giới thiệu VHNT ra nước ngoài, bằng các cuộc trao đổi đoàn, hội thảo, hội chợ sách, liên hoan nghệ thuật…
Mặc dù nhắc đến nhiều thành tựu của VHNT 45 năm qua, nhưng Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng không quên cảnh báo về thực trạng nhập siêu văn hóa của Việt Nam hiện nay. Nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ: “Việt Nam cho đến nay vẫn là quốc gia nhập siêu văn hóa. Chúng ta không khỏi sốt ruột khi thấy sách dịch chiếm ưu thế trên thị trường; phim truyền hình từ nước ngoài cũng vậy; băng đĩa qua con đường nhập lậu đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Đó là một thực trạng rất đau lòng”.
Đồng tình với nhà thơ Hữu Thỉnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng chỉ ra tình trạng này trong lĩnh vực điện ảnh: “Hiện nay, mỗi năm chúng ta sản xuất được 30-50 phim, chủ yếu là tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, chúng ta nhập hàng năm gần 300 phim nước ngoài”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, cần khắc phục tình trạng nhập siêu đó bằng cách hạn chế bớt phim nhập ngoại, tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu phim Việt ra thị trường bên ngoài. Phim ảnh cũng là một sản phẩm hàng hóa. Chính phủ cần đề ra hạn ngạch cho việc nhập khẩu phim vào Việt Nam, không thể thả nổi như hiện nay.
“Tôi chắc nếu Chính phủ thấy cần thiết thì cũng có biện pháp để khắc phục tình trạng nhập siêu trong điện ảnh mà vẫn không vi phạm tới điều khoản đã ký kết với WTO. Không thể để kéo dài tình trạng nhập siêu như hiện nay trong điện ảnh”, tác giả của bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười bày tỏ.
Hạn chế từ chủ trương xã hội hóa VHNT
Một trong những vấn đề đáng chú ý của VHNT 45 năm qua chính là chủ trương xã hội hóa của Nhà nước. Đây có thể xem như một trong những động lực để VHNT nước nhà có những bước chuyển mình tích cực, từ đó cho ra đời những tác phẩm có chất lượng phục vụ công chúng. Tuy nhiên sau thời gian dài, chủ trương này đang bộc lộ một số hạn chế.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, chỉ ra một số hạn chế của sân khấu hiện nay, trong đó có vấn đề xã hội hóa sân khấu. Dù phát triển có hiệu quả, nhưng các chế độ chính sách cho hoạt động xã hội hóa sân khấu không được quan tâm. Việc hỗ trợ cho thuê đất, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nghệ sĩ… gần như thả nổi. Một số đơn vị nghệ thuật phải thuê mướn cơ sở vật chất nên không đảm bảo ổn định lâu dài; lực lượng sáng tạo nghệ thuật hoạt động tự do rất khó quản lý; nhiều diễn viên mải chạy show không trau dồi chuyên môn và đạo đức, tư cách nghề nghiệp. Cùng với thực trạng đó, phần lớn các nhà hát, điểm diễn chưa được đầu tư xứng đáng, trang thiết bị không đồng bộ, chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
“Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá một cách toàn diện những chặng đường đã qua, tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, tạo cơ hội cho ra đời những tác phẩm có tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Phải có giải pháp góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.
Ngoài việc quan tâm phát triển đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong cộng đồng, theo NSND Thúy Mùi, chúng ta cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn truyền thống, thông qua các giải pháp: Tạo điều kiện hỗ trợ quỹ đất cho xây dựng cơ sở vật chất; đặt hàng sáng tác cho các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa; có chế độ hỗ trợ cho các nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực tự do được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú…
Ở lĩnh vực điện ảnh, theo nhà văn - biên kịch Đoàn Tuấn, sau chủ trương xã hội hóa, các hãng phim tư nhân phần lớn làm phim thị trường, phim thương mại với mục đích thu lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, Nhà nước lại ít đặt hàng cho các hãng phim do ngành văn hóa quản lý, từ đó dẫn đến tình trạng màn ảnh rộng thiếu vắng những bộ phim ca ngợi vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, thiếu vắng những bộ phim ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam.
“Và điều quan trọng hơn, chúng ta không có những bộ phim đích thực bộc lộ bản sắc Việt Nam để tham dự các liên hoan phim quốc tế như thời bao cấp. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho các dự án làm những bộ phim thể hiện nét bản sắc con người và văn hóa Việt Nam để hội nhập quốc tế”, nhà biên kịch nói.
PGS-TS - nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Tiếp nhận và chuyển hóa để hội nhập Thực tiễn đời sống âm nhạc của nhân dân ta trong 45 năm qua cho thấy, có những thời điểm công chúng yêu ca nhạc Việt Nam đã chịu sự lôi cuốn ào ạt của nhiều đợt sóng ca nhạc hải ngoại, nhạc rock quốc tế. Vào những năm 80, đã có những “cơn sốt” nhạc nhẹ với biểu hiệu lệch lạc, quá đà, song điều đó cũng nói lên nhu cầu của công chúng Việt Nam, nhất là lớp trẻ, đối với loại hình, lĩnh vực âm nhạc theo phong cách nhạc nhẹ giải trí. Nhu cầu về nhạc nhẹ không chỉ xuất phát từ nhận thức nội tại, bó hẹp trong phạm vi quốc gia, dân tộc, mà còn mang tính khu vực hóa, quốc tế hóa thẩm mỹ đương thời. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam tiếp nhận và chuyển hóa trong sáng tác và cả trong biểu diễn bằng cách tăng cường âm hưởng dân gian - dân tộc trong giai điệu, hòa thanh và tiết tấu. Đây cũng là hướng đi đúng mà một số nhạc sĩ sáng tác nhạc nhẹ hiện đại Việt Nam đã khai thác và có những kết quả bước đầu. Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Bức tranh đa sắc của mỹ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam với sứ mệnh chính trị - xã hội và nghề nghiệp đã gắn bó, đồng hành theo lộ trình thăng trầm của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Khoảng cách vùng, miền hẹp lại qua các triển lãm mỹ thuật khu vực. Mặt bằng hoạt động mỹ thuật giăng rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; ngắn lại những cách biệt về quan niệm, khuynh hướng sáng tác; đặc biệt là những cuộc bứt phá ngoạn mục của điêu khắc đương đại ở Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đồng Nai, TPHCM, Kiên Giang… Tự tin, tự trưởng thành và thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật trên những mảnh đất quê hương đa sắc tộc, đa văn hóa từ dân tộc dân gian đến đương đại là bức tranh toàn cảnh đầy kỳ vọng của mỹ thuật Việt Nam. PGS-TS, nhà văn LÊ THỊ BÍCH HỒNG: Phim đề tài chiến tranh cách mạng không né tránh mất mát, hy sinh Phim đề tài chiến tranh cách mạng luôn vận động bền bỉ suốt 45 năm và đánh dấu từng chặng đường phát triển của điện ảnh Việt Nam. Những người làm phim đã khắc phục được cách làm phim công thức, đơn giản, sơ lược, một chiều: ta thắng - địch thua, ta tốt - kẻ thù xấu… Phim tiếp nối chủ nghĩa anh hùng cách mạng mới, gần gũi, chân thực. Những người làm phim đã thể hiện một tầm nhận thức mới, tư duy mới khi khai thác những khía cạnh mới của chiến tranh nhìn qua số phận con người, nhất là không né tránh mất mát, hy sinh. Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng phim chiến tranh cách mạng vẫn là dòng chảy liên tục trong 45 năm qua. Qua thử thách của chiến tranh, tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa, cùng các phẩm chất cao quý của người Việt Nam đã được thể hiện. |