Với định hướng “làm đúng ngay từ đầu, học và làm đúng theo những ĐH nổi tiếng nhất thế giới ngay từ đầu”, cơ sở đào tạo này đã và đang khẳng định vị thế của một ĐH tự chủ kiểu mẫu trong nước và khu vực.
Bước tiến kỳ diệu
Chia sẻ với hơn 1.000 giảng viên, viên chức, sinh viên tại lễ tổng kết 2 kế hoạch 5 năm, từ 2008 - 2018 vào trung tuần tháng 5 vừa qua, GS-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhớ lại: “Ngày 24-9-1997, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được thành lập với điều kiện vô cùng khó khăn khi chỉ có vỏn vẹn 500 triệu đồng do Liên đoàn Lao động TPHCM cấp để làm thủ tục thành lập trường. Bên cạnh đó, trường còn “gánh” thêm nhiều con số 0 khác như không cơ sở vật chất (phải đi thuê), không nhân sự (bộ khung hành chính lúc đó chỉ có 9 người và hầu như không có giảng viên), không chương trình - giáo trình - tài liệu, không phòng thí nghiệm, trang thiết bị và không tên tuổi. Tôi đã ứa nước mắt khi chứng kiến cảnh sinh viên đến lớp trong phòng học đi thuê với mồ hôi nhễ nhại”.
Nhưng từ những con số 0 ấy, đến năm 2007, tập thể lãnh đạo nhà trường đã đặt ra mục tiêu 30 năm (từ năm 2007 - 2037) phải lọt vào tốp 500 trường ĐH tinh hoa của thế giới và tốp 60 của châu lục. Đây là mục tiêu mà chính những giảng viên, viên chức trong trường, dù lạc quan đến mấy cũng nghĩ là viển vông...
Thế rồi, từ năm 2008 đến nay, trường bắt đầu thực hiện chiến lược với 2 lần kế hoạch 5 năm và liên tục đạt những kết quả ngoài mong đợi. Tính đến nay, trường đã có cơ sở chính tại quận 7 với diện tích gần 30ha, cơ sở tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), cơ sở tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), cơ sở tại An Giang và cơ sở tại Cà Mau. Chỉ riêng giá trị xây dựng trên đất đã lên đến hơn 2.200 tỷ đồng (đây hoàn toàn là vốn tự tích lũy để đầu tư xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học).
Tháng 7-2008, tổng đội ngũ nhân sự của trường chỉ có 360 người. Nhưng đến cuối năm 2018, trường đã có 1.340 cán bộ, giảng viên, viên chức. Nhân lực chuyên môn có trình độ tiến sĩ và đang hoàn tất nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm hơn 50%; trong số đó, 205 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài (trường có lực lượng tiến sĩ, giáo sư nước ngoài nhiều nhất cả nước).
Tương xứng với phát triển đội ngũ, từ năm 2015 - 2018, kết quả công bố các bài báo quốc tế ISI của trường năm sau đều tăng gấp đôi so với năm trước (năm 2015: 189 bài, năm 2016: 411 bài, năm 2017: 736 bài, năm 2018: 1.303 bài).
Đặc biệt, trường hiện vẫn là ĐH duy nhất hiện nay của hệ thống ĐH Việt Nam được USPTO cấp Bằng sáng chế khoa học công nghệ (trường hiện có 7 bằng sáng chế). Ước tính giá trị khoa học đã chuyển giao trong 5 năm thực hiện kế hoạch lần thứ 2 là hơn 100 tỷ đồng (chưa kể dịch vụ, công nghệ).
Ngoài ra, trường cũng đã đầu tư máy đo loãng xương DXA Hologic Horizon (duy nhất tại châu Á và cả thế giới chỉ có 5 máy), tự đầu tư hệ thống siêu máy tính gần 2 triệu USD, đầu tư hơn 130 tỷ đồng xây dựng thư viện hiện đại tốp 500 của thế giới, kết nối cơ sở dữ liệu với 9.000 thư viện hiện đại nhất của thế giới, sân vận động - nhà thi đấu đa năng đạt chuẩn quốc tế, 2 tạp chí quốc tế…
Những mục tiêu tầm cỡ
Bước tiến của Trường ĐH Tôn Đức Thắng dựa trên 4 điểm cốt lõi mà các ĐH trên thế giới đã làm, đó là: cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học, quốc tế hóa. Cả 4 điểm cốt lõi này đã được đầu tư, phải phát triển một cách đồng bộ để đưa trường đạt đến chất lượng như hiện nay.
Tiếp nối những kết quả của 10 năm thực hiện kế hoạch phát triển 30 năm (2007-2037), GS-TS Lê Vinh Danh khẳng định: Nguyên tắc nền tảng là kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (từ tháng 8-2019 đến tháng 8-2024) nhất định phải được xếp hạng trong tốp 500 thế giới theo từng tiêu chuẩn của THE (Tổ chức xếp hạng ĐH thế giới, Anh quốc), trở thành ĐH tốp 150 châu Á vào tháng 8-2024 bởi các thế mạnh: công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ (trong đó số bài báo, công trình ISI phải đạt tối thiểu 5.000 bài), có ít nhất 10% người học quốc tế theo học toàn khóa tại trường, 33% giảng viên giảng dạy, nghiên cứu tại trường là người nước ngoài, trao đổi sinh viên đến và đi với các ĐH toàn thế giới.
Đặc biệt, trường phát triển hợp tác quốc tế trong nghiên cứu để công trình nghiên cứu phải vào được những tạp chí khoa học tốp 5 thế giới, phát triển số lượng bằng sáng chế (patent) đạt gấp đôi so với hiện nay.
Theo GS-TS Lê Vinh Danh, trường sẽ thành lập thêm 1 tạp chí tiếng Anh mới đạt tầm quốc tế. Phát triển lực lượng nhân sự cơ hữu lên 2.000 người. Trong đó, lực lượng chuyên môn là 1.600 người, với 70% có trình độ tiến sĩ trở lên; phát triển nhân sự là chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài làm việc toàn thời gian và cộng tác với trường bằng 1/2 lực lượng chuyên môn của trường; bảo đảm tỷ lệ bài báo/giảng viên, giáo sư.
Ngoài ra, trường sẽ tập trung phát triển trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan trở thành hình mẫu để góp phần tích cực cải cách giáo dục tiểu học và trung học Việt Nam; đồng thời, làm thí điểm để thay đổi chất lượng và cách thức đào tạo giáo viên tiểu học và trung học.
Trường được thành lập năm 1997 với tên gọi Trường ĐH Dân lập Tôn Đức Thắng và chuyển sang Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng năm 2003. Ngày 11-6-2008, Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng được Thủ tướng Chính phủ chính thức đổi tên thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Như vậy, về mặt quản lý nhà nước, cơ chế tổ chức của trường được thực hiện như một trường công lập với cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về mặt tài chính, trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Suốt 11 năm này, trường cũng đã tự chủ tài chính hoàn toàn và không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước hay tổ chức công đoàn. Tháng 8-2014, trường đã vinh dự được lựa chọn báo cáo điển hình trước Hội nghị giao ban của Chính phủ về kinh nghiệm xây dựng và quản lý thành công trường ĐH công lập theo mô hình tự chủ, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Trường đã được QS Stars (Anh quốc) công nhận trường đạt chuẩn 4/5 sao và là ĐH đầu tiên của Việt Nam được công nhận tiêu chuẩn này. Hội đồng cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục Cộng hòa Pháp (HCERES) công nhận đạt chuẩn chất lượng (chuẩn châu Âu), được QS xếp hạng tốp 291-300 trong tốp hơn 500 ĐH tốt nhất châu Á, UI Metric xếp tốp 200 ĐH phát triển bền vững nhất thế giới. Đặc biệt, Liên hiệp UNESCO Việt Nam chứng nhận trường đạt chuẩn “khuôn viên học đường thân thiện môi trường”. Đầu năm 2019, THE xếp trường trong tốp 101-200 những ĐH có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội hàng đầu thế giới phạm vi toàn cầu. |