Sự kiện gồm triển lãm trưng bày khoảng 200 bức hình, các áp phích những bộ phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam thuộc các chủ đề như: Bác Hồ trong trái tim miền Nam, Thành tựu của Công ty cổ phần Phim Giải phóng, Điện ảnh – Truyền hình TPHCM kế thừa phát triển, Điện ảnh nghệ thuật quan trọng phục vụ công cuộc cách mạng…
NSND Trà Giang tham quan triển lãm |
Bên cạnh đó, sự kiện cũng tổ chức tọa đàm với các nhân vật là những nghệ sĩ điện ảnh từng có cơ hội gặp Bác Hồ, làm phim về Bác Hồ, những người làm điện ảnh thời kháng chiến và hiện nay.
Tại sự kiện, đây là cơ hội gặp lại những nghệ sĩ điện ảnh gạo cội khu vực phía Nam: NSND Trà Giang, đạo diễn Xuân Phượng, nhà quay phim kỳ cựu Hồ Văn Tây, NSND Đoàn Quốc, NSƯT Lê Văn Duy, NSƯT Thùy Liên, NSND Mạnh Dung…
NSND Trà Giang xúc động đứng cạnh bức hình được chụp cùng Bác Hồ năm 1962 |
Trong phần ôn lại kỷ niệm, NSND Trà Giang xúc động khi đứng bên cạnh bức ảnh tặng hoa cho Bác Hồ nhân dịp Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, năm 1962. Lúc đó, bà mới 20 tuổi là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất, lại là đại biểu miền Nam được ban tổ chức phân công tặng hoa cho Bác. Lời Bác dặn “văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” tại cuộc gặp khiến bà khắc cốt ghi tâm và luôn lấy làm hành trang suốt mấy chục năm làm nghề.
NSND Trà Giang bên tấm hình chụp cùng Bác Hồ |
Sau đó, bà còn có cơ hội gặp gỡ Bác Hồ năm 1963 tại buổi chiếu bộ phim Chị Tư Hậu cho Bác xem. Bà kể kỷ niệm khi dự LHP tại Mátxcơva, diễn viên các nước mặc rất nhiều quần áo đẹp trong khi bản thân khá tự ti vì chỉ có vài bộ áo dài. Nhưng chính lời động viên của Bác, khen áo dài đẹp nên trong các chuyến đi nước ngoài, các sự kiện sau này, bà luôn mặc áo dài truyền thống.
Ở tuổi 94, đạo diễn Xuân Phượng cũng nhớ như in 2 lần gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên khi bà ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã đến tận nơi thăm đời sống cán bộ. Vì tranh thủ ngủ muộn quá giờ kẻng báo thức nên dù được báo Bác Hồ đến rồi nhưng ai ngờ lúc đó Người đã đứng ngay sau lưng.
Đạo diễn Xuân Phượng và nhà quay phim Hồ Văn Tây hàn huyên kỷ niệm cũ |
Một lần khác, bà dẫn các đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim về hoạt động của Bác Hồ. Lúc đó, phía đoàn phim đưa ra đề nghị có thể nói Bác bỏ chiếc mũ đang đội, ghi hình sẽ đẹp hơn.
Bà Xuân Phượng có đề nghị ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác giúp đỡ nhưng ông cũng không dám. Không còn cách nào, bà đành đến bên cạnh Bác thưa chuyện, xin Bác bỏ mũ ra để quay phim.
Khi được Bác hỏi: “Cái mũ của Bác không đẹp à?”, bà Xuân Phượng thưa: “Thưa Bác, cái mũ của Bác rất đẹp, nhưng tóc của Bác còn đẹp hơn!”. Không chỉ được khen, bà còn được Bác lấy cái mũ của mình đội cho bà. Bà cũng rất tiếc vì không ghi lại được khoảnh khắc đáng nhớ ấy.
Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện của nhà quay phim Hồ Văn Tây, NSND Đoàn Quốc, NSƯT Lê Văn Duy… về quá trình làm phim những năm chiến tranh, dưới bom rơi lửa đạn, từng đứng bên bờ vực sinh tử cũng để lại những kỷ niệm xúc động.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Đạo diễn Xuân Phượng trao đổi với các nghệ sĩ |
NSND Trà Giang cùng nhà quay phim Hồ Văn Tây và Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - Đỗ Lệnh Hùng Tú |
NSND Trà Giang cùng Giám đốc Hãng Phim TFS Phạm Việt Phước - con trai cố NSND Phạm Khắc |
NSƯT Lê Văn Duy (ngoài cùng bên phải) cũng tham dự sự kiện |
Nghệ sĩ Mạnh Dung |
NSƯT Thùy Liên xúc động bên tấm poster phim Mùa gió chướng mà bà đóng vai chính |
NSND Trà Giang và bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM |
Một số tư liệu được trưng bày tại sự kiện |