Mang đến hội nghị một thông điệp dưới dạng câu hỏi: “Vì sao chúng ta viết?”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ, kỳ vọng lớn nhất của hội là được lắng nghe tâm tư của những người viết trẻ, thế hệ chủ nhân của văn học nước nhà tương lai.
1. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, câu hỏi Vì sao chúng ta viết? không mới song lại vô cùng cần thiết. Đó không phải là câu hỏi một lần, không phải chỉ với nhà văn trẻ mà với tất cả nhà văn. Khi viết họ phải trả lời câu hỏi viết để làm gì, viết cho ai và trên tinh thần, tư tưởng, nền tảng nào…? Trong hội nghị này, các nhà văn trẻ phải trả lời câu hỏi về lương tri của nhà văn trước con người.
Cũng theo nhận định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nền tảng kiến thức, xuất phát điểm của thế hệ nhà văn trẻ hiện nay hơn nhiều thế hệ trước, vì vậy, dễ dàng nhận thấy sự phong phú, đa dạng trong các thể loại, khuynh hướng viết văn, nghệ thuật viết văn.
Lý giải về việc có một thế hệ viết trẻ tài năng, nhưng chưa xuất hiện những hiện tượng thật sự nổi bật, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, hiện nay các tác giả trẻ thuận lợi hơn nhiều thế hệ cha anh. Họ có thể bước một bước ra thế giới rộng lớn, song cùng với đó, họ cũng đối mặt với những khó khăn, vì để đạt được sự đồng thuận khen - chê như thế hệ trước là điều không đơn giản. Để có những “hiện tượng” nổi lên như nhà thơ Phạm Tiến Duật của những năm chống Mỹ là rất khó, nhưng không có nghĩa là không có nhiều tác giả có tài như ngày xưa.
“Chúng ta sống trong thời đại mà văn chương không còn là điều cực kỳ quyến rũ như trước. Trước đây, có những tác phẩm phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới mua được, nhưng nay đã khác, hình như nhà văn chỉ viết riêng cho nhà văn đọc. Nay, nem công, chả phượng cũng không còn nhiều ý nghĩa bởi nó quá nhiều. Chất lượng các tác phẩm văn chương bây giờ có lẽ cũng vậy”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ví von. Với nhà văn tại thời điểm này, để vươn lên tạo dấu ấn trong lòng công chúng, phải phấn đấu rất nhiều. Quá nhiều thách thức trong đời sống giải trí, trong cảm nhận về văn chương mà các cây viết trẻ cần phải đối mặt.
2. Trên văn đàn hiện nay, trong các cây bút trẻ, có những người theo đuổi việc viết văn chuyên nghiệp nhưng cũng có những người theo đuổi văn chương vì đam mê. Song khi đã cầm bút, mỗi người cần trả lời bằng được câu hỏi họ sử dụng những kỹ thuật, năng lực, khả năng, tài năng của nghệ thuật viết văn, của ngôn từ để làm gì?
“Thực tế, câu hỏi này không phải chỉ đối với những nhà văn trẻ mà đối với mọi nhà văn. Nhưng những nhà văn trẻ cần trả lời câu hỏi này hơn ai hết để đi trên chặng đường sáng tác dài lâu của mình. Hội Nhà văn Việt Nam phải hướng nhà văn trẻ đến câu trả lời tưởng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng đó. Tôi cho đó là điều quan trọng nhất đối với mọi nhà văn khi cầm bút”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.
Trong hội nghị này, Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn được lắng nghe tiếng nói trung thực của những người viết trẻ, cho dù sự thật đó có thể không phải là điều mà nhà tổ chức chờ đợi, để có thể hiểu được một thế hệ, một thời đại. “Cho dù đó là tiếng nói của những người trẻ ích kỷ, háo danh hay kiêu hãnh, đầy trách nhiệm…, chúng tôi cũng mong muốn được lắng nghe để hiểu và tiếp cận gần hơn với sự thật”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.
Hội nghị có 138 đại biểu tham dự, trong đó 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ tất cả các vùng miền trong cả nước, 19 đại biểu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi đời từ 35 trở xuống. Đây là hội nghị có số lượng đại biểu đông nhất so với 2 kỳ hội nghị gần đây. Tác giả trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, hiện là học sinh THPT tại TPHCM. Số lượng đông nhất là các tác giả ở độ tuổi từ 22-30 (sinh từ năm 1992-2000). Các đại biểu trẻ đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước, là kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, giáo viên, doanh nhân, công an, bộ đội, công nhân, nông dân, viên chức, công chức... và cả những người hành nghề tự do. |