Truy tìm “hạt ma” trong thế giới vật chất
Đại diện ban tổ chức, GS Jacques Dumarchez, đang công tác tại Phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân và năng lượng cao - Đại học Sorbonne, chia sẻ, PASCOS 29 nhận được 111 bài tham luận, trình bày các nghiên cứu của 111 nhà khoa học về các chủ đề Vật lý hạt, dây và Vũ trụ học. Tại hội nghị, một số bài nghiên cứu được hội đồng khoa học cấp cao đánh giá rất hữu ích và có khả năng thực nghiệm cao, chứng minh một số lý thuyết vật lý mà cộng đồng khoa học lâu nay vẫn đang tìm lời giải.
Trong đó, có thể kể đến các chứng minh mới trong thực nghiệm, đo đạc về vật lý neutrino. Ngoài ra, một số nhà khoa học lớn sẽ trình bày các bài nghiên cứu quan trọng. Chẳng hạn, TS Dario Buttazzo - Viện nghiên cứu ở Pisa (Italy) sẽ diễn giải vật lý ngoài mô hình chuẩn bằng các định lượng theo mô hình chuẩn; GS José W.F. Valle - Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm, lý thuyết vật lý IFIC (Tây Ban Nha) trình bày nghiên cứu về dao động Neutrino và cơ hội mới cho ngành vật lý. Một bài trình bày quan trọng khác là về hố đen lượng tử và sự vướng víu lượng tử trong lý thuyết dây của GS Atish Dabholkar - Giám đốc Trung tâm Vật lý lý thuyết ICTP… Một nội dung rất quan trọng được trao đổi ở hội nghị về máy gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider), sẽ chứng minh sự tồn tại của hạt Higg.
Tham dự hội nghị, TS Trần Văn Ngọc (quê tỉnh Quảng Bình, đang công tác tại Đại học Kyoto, Nhật Bản) chia sẻ: lịch sử Vật lý hạt từ trước đến nay có rất nhiều phát hiện, trong đó phát hiện quan trọng nhất có thể kể đến như phóng xạ và các hạt quark, neutrino, higg. Tại hội nghị PASCOS 29, các nhà khoa học bàn nhiều về hạt neutrino, bởi khoa học vật lý hạt những năm qua đã có nhiều phát hiện mới về dao động, khối lượng hạt neutrino. Đây là hạt rất quan trọng và kỳ lạ, nó có thể di chuyển, “biến hình” từ trạng thái này qua trạng thái khác, được ví như “hạt ma” trong thế giới vật chất…
Theo TS Trần Văn Ngọc, trong ngành Vật lý hạt, các nước tiến bộ trên thế giới đang rất quan tâm đến hạt neutrino. Giới khoa học cho rằng, neutrino nguyên thủy hình thành ngay trong giây đầu tiên của vụ nổ lớn của vũ trụ (lý thuyết Big Bang) khoảng 14 tỷ năm trước. Hạt neutrino được phát hiện vào năm 1955 bên trong lò phản ứng hạt nhân được thí nghiệm ở Mỹ. Sau đó, nhóm nghiên cứu phát hiện ra hạt này đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1995. Về sau, nhờ phát hiện neutrino có khối lượng thông qua hiện tượng thay đổi trạng thái khi di chuyển, 2 giáo sư Takaaki Kajita (Nhật Bản) và Arthur B. McDonald (Canada) đã đoạt giải Nobel Vật lý 2015…
“Hiện trên thế giới, các nước lớn đầu tư rất lớn để tiếp tục nghiên cứu về hạt neutrino, trong đó thí nghiệm T2K là thí nghiệm rất lớn và may mắn là có 6 nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam được tham gia thí nghiệm này. Các nhà khoa học sẽ tìm kiếm các phép đo thực nghiệm từ phát hiện hạt neutrino nhằm mở rộng mô hình chuẩn trong Vật lý hạt…”, TS Trần Văn Ngọc chia sẻ.
Sứ mệnh của những nhà “săn” hạt vật chất
Trong câu chuyện với GS Jacques Dumarchez, phóng viên Báo SGGP đặt câu hỏi: “Sứ mệnh của các nhà vật lý hạt và vũ trụ học đóng góp trước mắt và tương lai nhân loại là gì?”. Ông Jacques thông tin: “Theo tôi, các đóng góp hiện tại của các nhà vật lý hạt chỉ đang có giá trị về mặt khoa học, chứ chưa có nhiều giá trị thực nghiệm. Trước mắt, từ các nghiên cứu trong ngành vật lý sẽ giúp ích cho việc phát triển các thiết bị hữu ích cho xã hội. Ví dụ, Vật lý y khoa được áp dụng rất nhiều từ Vật lý hạt. Trong đó, máy gia tốc có thể trở thành một phương pháp trị bệnh ung thư với mô hình nhỏ hơn bằng cách phân tích các thông tin. Hay như phương pháp xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính cũng từ phát hiện của Vật lý hạt”.
Cũng theo GS Jacques, mục đích của việc nghiên cứu về Vật lý hạt là nhằm giúp con người có thể nhìn thấy được các vật chất cơ bản, hay cách các phân tử này tương tác với nhau. Và sứ mệnh ban đầu của Vật lý hạt không nhằm giải quyết các hệ thống hoặc vấn đề phức tạp trước mắt của con người hay các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, những sản phẩm điện tử, công nghệ hiện đại đều bắt đầu từ các nghiên cứu khoa học cơ bản. Các nước tiến bộ trên thế giới đầu tư rất nhiều và đặt nhiều kỳ vọng cho khoa học cơ bản là vì các mục tiêu tương lai. Nghiên cứu khoa học cơ bản trong thời gian ngắn có thể chưa tạo ra được nhiều sự khác biệt, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra những chuyển biến lớn cho nhân loại. Ví dụ như các phát minh đã thực nghiệm được và đang cho giá trị hữu ích như máy định vị GPS, laser, công nghệ bán dẫn từ thuyết tương đối của nhà khoa học cơ bản Albert Einstein…
Mối quan hệ giữa Vật lý hạt và Vũ trụ học
GS Phạm Quang Hưng (Đại học Virginia, Mỹ) chia sẻ, bên cạnh bàn về các hạt vật chất thì PASCOS 29 trao đổi nội dung khá quan trọng về vai trò, mối quan hệ giữa Vật lý hạt cơ bản và Vũ trụ học. Nhiều bài nghiên cứu sẽ được công bố, qua đó làm rõ mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực này. Trong đó, các nhà khoa học sẽ bàn sâu về vai trò của sóng hấp dẫn, giải mã bí ẩn của các hạt cơ bản…