Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 20: Nêu vấn đề biển Đông, Việt Nam được ủng hộ mạnh mẽ

Tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 20 diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam về tương lai châu Á. Về tình hình hiện nay trên biển Đông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 cùng nhiều tàu chiến và máy bay quân sự hộ tống trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp hòa bình; song kiên quyết thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tái khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục sử dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương, cũng như về các vấn đề các bên cùng quan tâm vì một tương lai châu Á hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Singapore đã sớm lên tiếng ủng hộ lập trường chính đáng và hợp pháp của Việt Nam trước việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam, đồng thời kêu gọi hai nước cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ phản đối Trung Quốc có các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông. Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Singapore bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp hiện nay ở biển Đông, khẳng định quan điểm phải tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế không để xảy ra xung đột, gây ảnh hưởng tới hòa bình ổn định khu vực, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông.

HÀ NHI



Quốc tế tiếp tục ủng hộ Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của TTXVN, ông Levchenko A.G., Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam thuộc Duma Quốc gia Nga đã khẳng định, hành động của Trung Quốc vi phạm một loạt thỏa thuận quốc tế và song phương, cả những gì được ghi nhận bằng văn bản lẫn thỏa thuận miệng.

Theo ông Levchenko A.G., nhóm nghị sĩ này ủng hộ và mong muốn tất cả các nước liên quan có thể đi đến một giải pháp chính thức nào đó để phân chia rõ ràng chủ quyền của từng nước ở biển Đông. Hành động hiện nay của Trung Quốc chỉ làm tình hình căng thẳng hơn chứ không đưa đến một giải pháp nào.

Ông Levchenko A.G. nói rằng, nhóm nghị sĩ hữu nghị của ông nói riêng và Duma quốc gia nói chung sẵn sàng đóng vai trò tư vấn cho các bên nếu được yêu cầu.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại một phiên họp của Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á), Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Laura del Rosario cho rằng đã có những thay đổi trên thực địa kể từ khi cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông bắt đầu. Tuy nhiên, ông Laura del Rosario không nêu đích danh Trung Quốc. Hồi năm 2002, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này đã không ngăn chặn được việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát một số hòn đảo trên biển Đông. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines đã công bố các bức ảnh chụp từ máy bay do thám cho thấy những hoạt động của Trung Quốc nhằm tân tạo và dường như xây dựng một đường băng trên bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Một số nguồn tin cho biết, theo chương trình làm việc của Quốc hội Mỹ, nhiều khả năng Quốc hội Mỹ sẽ ra nghị quyết về tình hình biển Đông trước ngày 26-5 tới.


NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục