Theo chương trình, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với 15 nội dung tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính. Đó là: thứ nhất, về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm 8 đề án; thứ hai, về tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 gồm 7 đề án.

Cùng với đó, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định một số nội dung công tác cán bộ theo thẩm quyền, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về tình hình đất nước, tình hình thế giới và khu vực; những công việc quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay; cùng các chuyên đề về hoàn thiện thể chế và đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.


Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở một số vấn đề để Trung ương tập trung thảo luận và quyết định, về nhóm vấn đề tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong hơn 2 tháng qua, thực hiện các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ các cấp Trung ương.
Song đánh giá một cách tổng thể cho thấy, mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị chưa thật sự hoàn thiện, nhất là địa phương vẫn còn cấp trung gian, nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh quy mô nhỏ không còn dư địa phát triển, phần lớn các đơn vị cấp xã còn bất cập cả về quy mô, trình độ phát triển của đội ngũ cán bộ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế vận hành của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính quyền địa phương phân cấp, phân quyền chưa thực sự đồng bộ, triệt để.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, để tiếp tục cuộc cách mạng về tinh giản tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp nhiều phiên bàn bạc thấu đáo, nhiều khía cạnh và thống nhất cao trình Trung ương về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các đề án về các hệ thống tổ chức đảng ở địa phương; đề án về sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, các đề án về sắp xếp hệ thống cơ quan tòa án, viện kiểm soát; và các đề án về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng, các quy định về kiểm tra, giám sát Đảng để đảm bảo triển khai thực hiện đồng bộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài ít nhất là cho 100 năm tới. Vì vậy, các đại biểu Trung ương với tư duy đổi mới, tinh thần cách mạng triệt để về sự phát triển của đất nước và vì nhân dân, tập trung cho ý kiến những nội dung theo gợi ý thảo luận gửi kèm theo từng đề án. “Nhất là những vấn đề lớn như về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành phố, không tổ chức cấp huyện; giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn phân cấp, phân quyền; đặc biệt là cấp xã sau khi mới sáp nhập, làm thế nào để thực sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn”, Tổng Bí thư cho biết.


Về nhóm vấn đề tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã chỉ đạo bổ sung, cập nhật nhiều vấn đề mới, nhất là những chủ trương, quyết sách quan trọng mang tính cách mạng để phát triển đất nước.
Theo đó, nội dung, cách thức trình bày văn kiện có nhiều cải tiến, đảm bảo những văn kiện, tính khoa học, tính thực tiễn, tính hành động, tính khả thi, tính mục đích, theo phương châm báo cáo chính trị là ngọn đuốc soi đường, còn các báo cáo khác phải là cẩm nang hành động. Tinh thần xuyên suốt của các văn kiện thể hiện sự kiên trì không thay đổi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa ổn định và phát triển, bám sát mục tiêu lớn là đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, quyết tâm hiện thực hóa 2 mục tiêu 100 năm của đất nước.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất muốn nghe những kiến nghị, những giải pháp nhằm giúp đất nước đạt được các mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng liên tục 2 con số trong những năm tiếp theo trong điều kiện tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, cũng như trong tình hình chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu. “Điều quan trọng nhất với nội dung này là các đồng chí ở từng địa phương, bộ, ngành phải tìm ra được những việc cần làm ngay từ chính động lực của mình thì mới có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra”, Tổng Bí thư nêu rõ.


Để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn của Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, mặt bằng đội ngũ cán bộ cao hơn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Chính vì vậy, công tác nhân sự phải được chuẩn bị từ sớm và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho đến khi Đại hội XIV của Đảng diễn ra.
Tổng Bí thư nêu rõ, đến nay, Bộ Chính trị đã chỉ đạo rà soát, bổ sung dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phù hợp với cơ cấu của mô hình tổ chức mới; rà soát, đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trong đó có một số nội dung sửa đổi, bổ sung mới về độ tuổi tái cử, về cơ cấu, số lượng cấp ủy, thời gian tổ chức đại hội, nội dung đại hội. Tất cả các công việc quan trọng này đều hướng đến mục tiêu tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và tổ chức Đại hội XIV của Đảng dự kiến diễn ra vào quý 1-2026 theo đúng kế hoạch đề ra.
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII dự kiến làm việc đến ngày 12-4.