Hội nghị bao gồm phiên đối thoại mở với các Bộ trưởng Thương mại APEC về hai chủ đề: vận dụng các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho môi trường sáng tạo và vai trò của chính phủ để đẩy mạnh thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo tại các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, từ khi APEC được thành lập vào năm 1989 đến nay, quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC đã có bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc. Thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận đã tăng 6,7 lần với tổng giá trị khoảng 20.000 tỷ đồng vào năm 2015; mức thuế trung bình đã giảm đáng kể từ 17% vào năm 1989 xuống 5,6% vào năm 2014 nhờ tăng cường quan hệ thương mại song phương và đa phương cũng như sự gia tăng của các thỏa thuận thương mại trong và ngoài khu vực.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều biến đổi về chất không giống bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đó, các nền kinh tế đang hướng đến tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo. Trong đó, thương mại được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy quan trọng giúp định hình chính sách và chiến lược về đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.
Cùng ngày, Bộ Công thương cũng tổ chức đối thoại công - tư APEC lần thứ 2 về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và kết nối chuỗi cung ứng thông qua mạng lưới cảng điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, việc phát triển các chuỗi cung ứng hiệu quả có vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại quốc tế, giúp giảm sự bất cân đối về thông tin giữa các khâu, giảm chi phí giao dịch, cũng như gia tăng sự liên kết thông tin giữa các công đoạn và các bên liên quan, cải thiện tỷ lệ đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng nhằm tối đa hóa lợi ích.