Vai trò của Ấn Độ
Các nhà lãnh thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về những lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng thảo luận về những nỗ lực không ngừng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong công tác đảm bảo phân phối các loại vaccine một cách an toàn, công bằng, với giá cả phải chăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo Báo Times of India, tại cuộc họp, nhóm Bộ Tứ đã đạt thỏa thuận Ấn Độ sẽ trở thành nước sản xuất vaccine Covid-19 đơn liều của hãng Johnson & Johnson. Dự án sẽ được Nhật Bản và Mỹ tài trợ, trong khi Australia sẽ vận chuyển vaccine đến Đông Nam Á và các nước khu vực Thái Bình Dương. Sáng kiến vaccine này sẽ được coi là một kết quả quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ.
Vì việc các nước, đặc biệt là các nước nhỏ và đang phát triển được tiếp cận nhiều hơn các vaccine sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Sáng kiến này cũng sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là nhà sản xuất và cung cấp vaccine đáng tin cậy. Ấn Độ sản xuất 60% lượng vaccine trên thế giới và việc hỗ trợ triển khai vaccine được dự kiến sẽ là một nội dung chính trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ.
Duy trì tự do hàng hải
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ là “một bước tiến quan trọng nữa” để tăng cường mối quan hệ khu vực của Canberra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thủ tướng Morrison khẳng định hội nghị này sẽ “gửi một thông điệp mạnh mẽ” tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là “một thời khắc lịch sử” trong khu vực.
Financial Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng “chính quyền Tổng thống Biden đang biến nhóm Bộ Tứ trở thành động lực cốt lõi trong chính sách châu Á của mình”. An ninh hàng hải là chủ đề đầu tiên được nhóm Bộ Tứ đề cập. Với sức mạnh hải quân của mình, các quốc gia trong nhóm sẽ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực; nâng cao năng lực của hải quân các nước nhỏ hơn; tăng cường chia sẻ thông tin; và thực hiện thường xuyên các cuộc tuần tra hàng hải chung nhằm duy trì tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế.
Vấn đề thứ hai được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh là chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ Joe Biden xem biến đổi khí hậu trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình và là một cách tiếp cận phối hợp giữa các thành viên Bộ Tứ.
Lĩnh vực hợp tác thứ ba của Bộ Tứ là công nghệ và chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đáng tin cậy. Trước mắt, nhóm chú trọng phát triển mạng 5G độc lập và đáng tin cậy.
Các quốc gia Bộ Tứ là các nền kinh tế lớn nhất thế giới và đều nhận thức được yêu cầu cấp bách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với nhiều loại vật liệu và hàng hóa quan trọng đối với an ninh quốc gia của các nước. Bộ Tứ và các đối tác sẽ nỗ lực phối hợp phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng hơn và an toàn hơn.