Chia sẻ công nghệ CCS
Trọng tâm chính của Hội nghị thượng đỉnh thu giữ carbon 2024 là “hợp tác liên ngành” bằng cách chia sẻ kiến thức chuyên môn, xây dựng năng lực cũng như đưa ra lời khuyên và hỗ trợ để CCS có thể đóng một vai trò không thể thiếu trong việc giảm lượng khí thải carbon. Các cơ quan chính phủ, các tập đoàn toàn cầu, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ cam kết học hỏi, áp dụng các công nghệ CCS cùng tham gia vào sự kiện này.
Các chủ đề chính trong chương trình nghị sự năm nay gồm: Đánh giá kinh tế về thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon; giảm lượng khí thải carbon theo ngành công nghiệp; các công nghệ CCS mới và kỹ thuật trong việc phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng mô hình kinh doanh cho CCS với việc giảm chi phí và thương mại hóa; các dự án và mạng lưới giao thông mới nhất để lưu trữ và sử dụng CO2… Hội nghị này sẽ cung cấp một diễn đàn cho tất cả các bên liên quan, từ các nhà sản xuất và nhà thầu công nghiệp đến các công ty thu hồi carbon và các ngành công nghiệp nặng lớn, để kết nối, xây dựng mối quan hệ xuyên thị trường và thảo luận về những phát triển mới nhất trong công nghệ CCS.
Còn nhiều thách thức
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã mô tả việc thu hồi và lưu trữ CO2 là “rất quan trọng” để đạt lượng khí thải ròng bằng 0. Báo cáo mới nhất của IEA cho biết, các dự án thu hồi và lưu trữ carbon sẽ được mở rộng hơn trong thập niên tới khi thị trường thu hồi carbon đạt 10 tỷ USD vào năm 2030.
Công nghệ CCS thường sử dụng sự hấp thụ hóa học để thu giữ CO2 thải ra từ hoạt động công nghiệp. Khí thải được ngưng tụ thành chất lỏng để vận chuyển, thường thông qua đường ống và được lưu giữ ở độ sâu hàng ngàn mét dưới mặt đất trong các giếng dầu đã cạn kiệt hoặc các cấu tạo địa chất như hồ chứa nước mặn. Những thách thức trong việc triển khai công nghệ CCS là rất lớn. IEA cho biết, đến năm 2030 thế giới cần thu giữ hơn 1 tỷ tấn CO2 mỗi năm, gấp hơn 20 lần so với 45 triệu tấn thu được vào năm 2022. Đến năm 2050, lượng CO2 thu được cần đạt 6 tỷ tấn - gấp hơn 130 lần so với mức năm 2022. Tuy nhiên, công nghệ CCS cho đến nay vẫn là “kém hiệu quả”, với chỉ 5% dự án được công bố đã đạt được quyết định đầu tư. Theo IEA, ngành công nghiệp cần chứng minh công nghệ CCS có thể hoạt động kinh tế ở quy mô lớn sau khi gặp khó khăn trong việc tăng cường triển khai trong nhiều năm.
CCS là công nghệ mới nổi nhằm giảm lượng khí thải carbon từ sản xuất năng lượng, công nghiệp nặng và giao thông vận tải. CO2 thu được có thể được sử dụng như một nguồn tài nguyên có giá trị hoặc được lưu trữ vĩnh viễn sâu dưới lòng đất trong các thành tạo địa chất, tạo nền tảng cho việc loại bỏ carbon khỏi khí quyển. Bằng cách tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên CCS và khám phá các cách sử dụng CO2 có thể mở rộng, các ngành công nghiệp có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon và giải quyết các thách thức kép về khí hậu - năng lượng của kỷ nguyên hiện đại.