Duy trì an ninh và ổn định
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Biden chào đón các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Trại David kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh độc lập đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Fumio Kishida. Các cuộc thảo luận ba bên trước đây đều được tổ chức bên lề các hội nghị quốc tế.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận những vấn đề ưu tiên mà ba nước cùng quan tâm như an ninh kinh tế, công nghệ mới nổi, hỗ trợ nhân đạo và các chương trình phát triển. Dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn sẽ nhất trí về cách thức nhằm “thể chế hóa hơn nữa” cơ chế khung về hợp tác an ninh giữa ba nước. Cơ chế này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì an ninh và ổn định trong và ngoài khu vực châu Á. Theo đó, các bước đi sẽ bắt đầu bằng việc thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của ba nước. Bên cạnh đó là tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên chống tàu ngầm và phòng thủ tên lửa có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), quân đội Mỹ và quân đội Hàn Quốc.
Ba nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ra tuyên bố chung vạch ra những nguyên tắc cơ bản đối với quan hệ hợp tác. Những nội dung xoay quanh việc đồng ý thiết lập các cuộc họp thường niên, phác thảo hợp tác trong các lĩnh vực phát triển tên lửa, an ninh mạng, an ninh kinh tế, bảo vệ chuỗi cung ứng và vấn đề Triều Tiên…
Thời điểm thích hợp
Từ tháng 5-2023, Tổng thống Biden đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên. Washington muốn tạo ra một khuôn khổ hợp tác bền vững và ổn định trước những thay đổi về lãnh đạo tại ba nước cũng như những thay đổi trong cộng đồng quốc tế. Có thể thấy mục tiêu đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh lần này là “thể chế hóa” hợp tác ba bên thành một khuôn khổ chính thức.
Ngoài ra, đây cũng được coi là thời điểm thích hợp để thúc đẩy quan hệ hợp tác ba bên, sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được những đột phá trong việc hàn gắn quan hệ song phương hồi đầu năm, tháo gỡ những nút thắt về lãnh thổ và lịch sử vốn ảnh hưởng đến quan hệ an ninh và thương mại.
Bà Ellen Kim, Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn lần này có tầm quan trọng chiến lược đối với cả ba nước, cho phép các nhà lãnh đạo mở rộng hợp tác trước những bất ổn ngày càng tăng trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu. Trong khi đó, chuyên gia Shihoko Goto, quyền giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, đánh giá thành công của hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ phụ thuộc vào tính bền vững của mối quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế hùng mạnh ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.