Bước ngoặt của thế giới
Các nhà lãnh đạo tham dự COP28 cho rằng, COP28 là niềm hy vọng của thế giới, đánh dấu bước ngoặt mang tính chuyển đổi và trên cơ sở đánh giá tổng thể tiến bộ đạt được kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua năm 2015 sẽ đề ra phương hướng hành động cho thời gian tới. Trong đó, các hành động khí hậu cần hướng đến mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5o C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp; tiếp tục giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường tài chính khí hậu, đặc biệt là tăng gấp đôi tài chính khí hậu cho giai đoạn sau năm 2025.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định chỉ có thể đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ 1,5o C khi thế giới ngừng hoàn toàn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, kêu gọi các nước tăng gấp ba tỷ trọng năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tổng thống UAE - nước chủ nhà COP28, tuyên bố thành lập Quỹ Giải pháp khí hậu toàn cầu trị giá 30 tỷ USD nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính khí hậu và tăng đầu tư cho hành động khí hậu lên đến 200 tỷ USD vào năm 2030.
Cùng hành động đạt mục tiêu
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Bill Winters, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, đồng chủ trì sự kiện “Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu”.
Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, là một quốc gia đang phát triển, xuất phát điểm thấp và đang gặp nhiều khó khăn, nhưng với cam kết tại COP26, Việt Nam đã cùng các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với mục tiêu, hành động để thực hiện chuyển đổi xanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới và hành động quyết liệt hơn nữa để đồng hành cùng chính phủ thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức, cơ chế hợp tác, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và các tập đoàn tài chính toàn cầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện thể chế, nguồn tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực; giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; phát triển nhanh, bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau…
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ngành của Việt Nam, các tổ chức quốc tế đã chứng kiến lễ trao 9 văn kiện hợp tác giữa các bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển xanh.
Nhân dịp tham dự COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế như Hà Lan, Đan Mạch, UAE, Na Uy, Mông Cổ, Zambia, Ấn Độ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry...