Nâng cao vai trò của G77
Theo báo Prensa Latina, từ tháng 1 năm nay, Cuba giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của G77 và Trung Quốc, nhóm ủng hộ lợi ích của các quốc gia đang phát triển tại Liên hợp quốc (LHQ). Nhóm hiện có 134 quốc gia thành viên, khoảng 70% là thành viên LHQ.
Chính phủ Cuba coi Hội nghị thượng đỉnh G77 và Trung Quốc là dịp để tăng cường đoàn kết, quyết định các vấn đề quan trọng và thiết thực nhằm đối phó những thách thức hiện nay. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez cho biết, có khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, Tổng thư ký LHQ và 10 tổ chức quốc tế, khu vực có uy tín tham dự hội nghị. Theo TTXVN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự hội nghị và thăm, làm việc tại Cuba từ ngày 14 đến 18-9.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên sẽ tập trung phân tích, đánh giá tình hình quốc tế, các thuận lợi, thách thức đối với các nước đang phát triển. Từ đó, thống nhất phương hướng, các biện pháp nhằm nâng cao tiếng nói, vai trò của G77 trong đời sống chính trị, kinh tế quốc tế. Cùng với đó là tiến trình cải cách nền quản trị toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một trật tự quốc tế ổn định, công bằng, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển; nâng cao hiệu quả hợp tác, nhất là về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng tri thức và sự phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm ứng phó với các thách thức phát triển. Hợp tác Nam - Nam là trụ cột cơ bản của hội nghị.
Hướng tới trật tự kinh tế mới
Hội nghị dự kiến sẽ thông qua tuyên bố chung nêu các mục đích và nguyên tắc của nhóm, cũng như giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển, kêu gọi thu hẹp khoảng cách phát triển về khoa học và công nghệ giữa các nước phát triển và đang phát triển; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này, tranh thủ việc trao đổi kinh nghiệm, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ nhằm mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Rodriguez khẳng định, Tuyên bố cuối cùng của hội nghị sẽ là một phác thảo tổng quát và quan trọng về những trở ngại chính đối với sự phát triển của các quốc gia phía Nam và kêu gọi thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới. Tuyên bố chung của hội nghị trung thành với mục đích và nguyên tắc của nhóm, quan tâm đến nhu cầu của các nước đang phát triển và gắn chặt với yêu sách về quyền phát triển trong bối cảnh quốc tế ngày càng độc quyền, bất bình đẳng, bất công và bóc lột. Đây là vấn đề trọng tâm có liên quan rất lớn đến 134 thành viên của G77 và Trung Quốc.