Hội nghị thượng đỉnh G20: Tìm giải pháp cho nhiều vấn đề nóng

Ngày 15-11, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Bali, Indonesia, với kỳ vọng sẽ có giải pháp cho nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Tìm giải pháp cho nhiều vấn đề nóng

Một số vấn đề ưu tiên 

Chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh năm nay là “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, các nhà lãnh đạo cùng thảo luận một số vấn đề ưu tiên, trong đó có an ninh lương thực và năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số. Một số vấn đề khác cũng dự kiến được đề cập, từ đại dịch Covid-19 tới cuộc xung đột tại Ukraine. Sau hai ngày họp, các nước thành viên G20 kỳ vọng đưa ra được tuyên bố chung, trong đó khẳng định cam kết hành động của các nước thành viên dù văn bản này không có giá trị ràng buộc về pháp lý. Các nước thành viên G20 hiện chiếm khoảng 60% dân số và 80% quy mô nền kinh tế thế giới. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh triển vọng hợp tác giữa các quốc gia chưa có nhiều tín hiệu lạc quan, trong khi mâu thuẫn giữa Mỹ và nhiều nước với Trung Quốc, Nga ngày càng tăng. Một số quốc gia cử đại diện ở cấp độ thấp hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới Indonesia mà cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov tham dự, dù Moscow trước đó từng cho biết ông Putin có kế hoạch tới Indonesia. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến.

Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đang hứng chịu “bão” lạm phát gây nhiều thiệt hại. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày càng xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy triển vọng kinh tế sẽ ảm đạm hơn, đặc biệt là ở châu Âu. Các chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang có dấu hiệu yếu đi tại hầu hết các nền kinh tế G20 vì lạm phát vẫn rất cao. Cũng theo IMF, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy lạm phát leo thang, trong khi lạm phát cao kéo dài sẽ tiếp tục dẫn tới chính sách tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến, qua đó siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. 

Thượng đỉnh Mỹ - Trung 

Trong ngày 14-11, trước thềm Hội nghị G20, diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. 

Cuộc gặp diễn ra sau khi quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên do một số vấn đề liên quan tới thương mại và công nghệ, nhân quyền và lãnh thổ Đài Loan.

Trong hơn 3 giờ thảo luận, hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến kiểm soát bất đồng trong quan hệ hai nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định cả hai nước đều có trách nhiệm xử lý bất đồng, ngăn ngừa cạnh tranh trở thành xung đột, đồng thời cam kết duy trì các kênh trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông cho biết Washington sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến mất an ninh lương thực.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định giữa hai nước còn nhiều khác biệt, nhưng điều quan trọng là không để những khác biệt này trở thành rào cản trong quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng quan hệ song phương hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của hai nước và người dân, cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Theo ông Tập Cận Bình, hai bên cần xây dựng hướng đi đúng đắn cho quan hệ Mỹ - Trung và nâng tầm quan hệ song phương.

Tin cùng chuyên mục