Ưu tiên phát triển bền vững
Hội nghị gồm 9 phiên thảo luận về các chủ đề: “Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; Tương lai năng lượng; Phục hồi trong và sau đại dịch Covid-19; Các cơ hội từ gián đoạn kỹ thuật số; Tình hình thế giới; Sức mạnh của niềm tin; Ưu tiên của doanh nghiệp trong thời gian tới; Công nghệ và đổi mới sáng tạo; và Hướng tới tương lai”.
Tham dự sự kiện có khoảng 4.500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được mời phát biểu chính, định hướng cho cuộc thảo luận tại phiên đầu tiên của Hội nghị về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của APEC trong hơn 3 thập kỷ qua, nhấn mạnh rằng APEC không chỉ là động lực tăng trưởng toàn cầu, thúc đẩy thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư doanh nghiệp, mà còn tiên phong về quản lý ứng phó thiên tai, phát triển năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng sinh học, thương mại hàng hóa môi trường. Hướng tới Tầm nhìn APEC 2040, các nhà lãnh đạo APEC đang đoàn kết, vượt qua mọi khác biệt, đi đầu, dẫn dắt các nỗ lực hợp tác nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để vượt cao hơn, lên trước những tiếng chuông cảnh báo thách thức, rủi ro, gìn giữ môi trường sống an nhiên, phát triển bền vững.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp; đòi hỏi sự chung tay hành động. Chủ tịch nước cho rằng trong các quyết sách của mình, nhà nước cần tính đến các lợi ích lâu dài, có cách tiếp cận toàn diện, từ hạ tầng, tài chính, thương mại đến bảo vệ môi trường và lao động, xã hội… Tuy nhiên, nhà nước không thể hành động thay các chủ thể trong xã hội mà chỉ đóng vai trò khuyến khích bằng cách tạo dựng thể chế, lợi ích phù hợp để huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân, phát huy các dự án công- tư cho tăng trưởng xanh.
Nguy cơ và cơ hội đan xen
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 đề xuất đến cộng đồng doanh nghiệp: Mỗi doanh nghiệp nên có kế hoạch và lộ trình cắt giảm khí thải tuân thủ mục tiêu, các chỉ số quy định của quốc gia về kiểm soát mức phát thải khí nhà kính, tiêu hao năng lượng, xanh hóa các ngành kinh tế, lối sống và tiêu dùng. Cần đầu tư cho tương lai khi hướng vào các dự án năng lượng sạch, phát triển công nghệ mới với “giá trị xanh” ngày càng cao, xây dựng nền nông nghiệp xanh thông minh; hình thành các chuỗi cung ứng xanh và khuyến khích thay đổi hành vi thân thiện với môi trường của người tiêu dùng. Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC nên xây dựng “Bộ hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh bền vững APEC”, với trọng tâm là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân Việt Nam hiểu rõ nguy cơ và cơ hội đan xen, đồng thời cam kết hành động quyết liệt để chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu. Trong quá trình này, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các thành viên APEC, các quốc gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ngày 11-11, phát biểu trước các doanh nghiệp toàn cầu tại APEC 2021, Thủ tướng nước chủ nhà New Zealand Jacinda Ardern kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp cùng hợp tác để thúc đẩy phục hồi mạnh mẽ, công bằng và bền vững sau đại dịch Covid-19 toàn cầu. Theo bà Ardern, việc giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống như trên sẽ đòi hỏi sự hợp tác kinh doanh và chính trị cao hơn nữa. Bà khẳng định, các nhà lãnh đạo APEC sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo mọi người đều có cơ hội vượt qua đại dịch và mạnh mẽ hơn trước. |