Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 24 (mở rộng). Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải thông tin, hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến về 4 nội dung. Đó là, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TPHCM năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024; báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2023 và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2024.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cùng với đó là cho ý kiến về báo cáo Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Thành ủy TPHCM về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030; báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM về tăng cường lãnh đạo đối với các hoạt động kinh tế Đảng của Đảng bộ TPHCM...
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 24 (mở rộng) diễn ra trong 1 ngày làm việc, trong đó có phần thảo luận tại hội trường liên quan đến nhiều nội dung quan trọng.
TPHCM đã nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, giúp các lĩnh vực kinh tế thành phố đều có mức tăng trưởng khá, cho thấy các giải pháp chỉ đạo, điều hành của thành phố đã đem lại kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
TPHCM có độ mở kinh tế lớn, chịu tác động của các bất ổn kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn chung từ nền kinh tế trong nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) quý 3 năm 2023 ước tăng 6,71%, 9 tháng đầu năm ước tăng 4,57% so với cùng kỳ.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,57% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 5,67% so với cùng kỳ. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,78%.
Các đại biểu dự hội nghị trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 10,8% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11,7%; ngành lưu trú, ăn uống tăng 29,0%; dịch vụ lữ hành tăng 51,9%; dịch vụ khác tăng 2,1%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu cả nước năm 2023 ước đạt 46,61 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,1%).
Đại biểu dự Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 24. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Lãnh đạo các quận huyện và TP Thủ Đức dự hội nghị. Ảnh VIỆT DŨNG |
Lãnh đạo các sở ngành của TPHCM dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Về du lịch, tổng doanh thu trong năm 2023 ước đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 33,3% so với kế hoạch. Khách quốc tế đến TPHCM năm 2023 ước đạt 5.000.000 lượt, tăng 44,3% so cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch. Khách du lịch nội địa đến TPHCM năm 2023 ước đạt 35.000.000 lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch.
TPHCM cũng đã đón tiếp và làm việc với hơn 217 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức 177 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thông qua chuỗi các sự kiện xúc tiến giới thiệu thông tin thị trường.
Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM đoàn kết, quyết tâm xây dựng TPHCM thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu, động lực có sức thu hút, lan tỏa lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 31; chủ động, quyết liệt tổ chức thực hiện Nghị quyết 98.
Cùng với đó xây dựng kế hoạch, chi tiết hóa các chủ trương để tạo đột phá, giải quyết điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí vai trò đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Cả hệ thống chính trị TPHCM tập trung các giải pháp thực hiện các công trình trọng điểm phát triển thành phố. Tái khởi động thi công nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM được khởi công có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.