Với chủ đề “Định hình tương lai”, chương trình nghị sự của hội nghị tập trung tăng cường hơn nữa an ninh hạt nhân toàn cầu và giải quyết các thách thức liên quan đến rủi ro, mối đe dọa mới và công nghệ mới nổi.
Hội nghị gồm hai phần: phần cấp bộ trưởng kéo dài 2 ngày với các tuyên bố quốc gia, các phiên tương tác và thảo luận chính sách cấp cao dành cho bộ trưởng. Chương trình khoa học và kỹ thuật kéo dài 4 ngày sẽ bắt đầu song song với ngày thứ hai của phần cấp bộ và bao gồm các hội thảo toàn thể hàng ngày với các diễn giả được mời, các cuộc thảo luận chính sách cấp cao và các phiên họp kỹ thuật song song.
Các chuyên gia sẽ thảo luận về nhiều chủ đề an ninh hạt nhân khoa học và kỹ thuật, gồm: các quan điểm toàn cầu về các quy định an ninh hạt nhân đối với các lò phản ứng mô đun nhỏ; vai trò của pháp y hạt nhân trong việc củng cố an ninh hạt nhân quốc tế; sử dụng thực tế và các mối đe dọa tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo, chuẩn bị và phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng nhạy cảm và phát triển các chiến lược quốc gia về hạt nhân, sự kiện an ninh.
Bên cạnh việc tìm kiếm các giải pháp ngăn chặn mất an ninh hạt nhân, hội nghị còn đề cập đến việc ứng dụng hạt nhân vì hòa bình như năng lượng hạt nhân, y học hạt nhân...
Hiện 9 quốc gia - Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Pháp, Triều Tiên, Nga, Anh và Mỹ - nắm giữ gần 16.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới. Các mối đe dọa dai dẳng về việc sử dụng - vô tình hoặc trái phép, khủng bố, phổ biến công nghệ và vật liệu hạt nhân cũng như các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở hoặc hệ thống đòi hỏi các giải pháp sáng tạo, thực tế.
Trong khi đó, theo tờ Insider Bussiness, ngành y học hạt nhân đang phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là tại Indianapolis, Mỹ, các công ty Pháp, Thụy Sĩ và Israel đã đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào cơ sở sản xuất dược phẩm phóng xạ. Hay tại Đại học Purdue, cách Indianapolis khoảng một giờ về phía Tây Bắc, nơi có chương trình dược phẩm hạt nhân lớn nhất và lâu đời nhất quốc gia.
Chương trình này được thành lập vào những năm 1970, không chỉ đào tạo dược sĩ mà còn cả kỹ thuật viên y học hạt nhân, nhân viên an toàn bức xạ và các chuyên gia khác trong ngành hạt nhân. Nhờ ứng dụng các dược chất phóng xạ, các nhà nghiên cứu đã có khả năng phát triển các loại thuốc tốt hơn, được gọi là phối tử, hoạt động giống như tên lửa tự dẫn đường và tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.