MC12 diễn ra trong 4 ngày, với sự tham dự của khoảng 164 bộ trưởng thương mại từ khắp nơi trên thế giới với hy vọng tổ chức thương mại đa phương này sẽ tái khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, cũng như mang lại luồng sinh khí mới cho tổ chức sau thời gian bị trì trệ vì đại dịch Covid-19.
Theo Foreignbrief.com, chương trình nghị sự được cho là phép thử quan trọng về tầm ảnh hưởng của tổ chức thương mại toàn cầu, bao gồm trợ cấp thủy sản, an ninh lương thực nông nghiệp, phân phối vaccine công bằng cho các nước đang phát triển và cải cách WTO…
Đặc biệt, tổ chức thương mại đa phương này đang chịu sức ép phải đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt trợ cấp cho các hoạt động đánh bắt cá theo kiểu tận diệt sau hơn 20 năm đàm phán. Giới phân tích dự doán vẫn sẽ không có thỏa thuận lớn nào được mong đợi, mặc dù các nhà đàm phán nghề cá đang hy vọng một hoặc hai kết quả thực chất. Tuy nhiên, một số kết quả chính nhất định có thể nằm trong tầm tay, đáng chú ý trong số đó là đề xuất của Trung Quốc nhằm hạn chế việc miễn trừ cho các cộng đồng ngư dân nhỏ hơn là các công ty ngành đánh cá lớn.
Bên cạnh đó, WTO cũng đang nỗ lực chứng tỏ vai trò có liên quan trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bốn “ông lớn” trong ngành sản xuất dược phẩm gồm Ấn Độ, Nam Phi, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây nhất trí tạm miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Trong khi đó, các hãng dược lớn bày tỏ phản đối quan điểm này. Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) cho rằng các quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ suy yếu sẽ tạo ra các tác động tiêu cực.
Ngoài vấn đề trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá và đại dịch, thì các vấn đề khác như nông nghiệp, dịch vụ, sự phát triển, an ninh lương thực và các nước kém phát triển cũng nằm trong chương trình nghị sự của MC12.
MC12 diễn ra trong bối cảnh WTO đang đối mặt với nhiều khó khăn và cần cải cách toàn diện. Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 11 của WTO được tổ chức tại Buenos Aires (Argentina) tháng 12-2017 đã không đạt được thỏa thuận mới nào. Kể từ đó, WTO vẫn chưa xử lý được nhiều vấn đề còn tồn đọng.
Hệ thống giải quyết tranh chấp đã bị suy yếu nghiêm trọng khi Cơ quan Phúc thẩm ngừng hoạt động vào tháng 12-2019. Các cuộc đàm phán thương mại đã bị gián đoạn. Rất khó để đạt được tiến bộ trong việc xây dựng quy tắc trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại kỹ thuật số và môi trường. Kết quả là ngày càng có xu hướng chuyển các cuộc đàm phán sang bên lề của WTO.