Tỷ lệ học sinh bỏ học, học sinh yếu kém còn cao, chưa có chính sách cụ thể về hỗ trợ giáo viên dạy phụ đạo học sinh yếu kém, thi theo cụm sẽ gây khó khăn cho các trường lẫn học sinh... là những vấn đền được đề cập nhiều nhất trong buổi giao ban lần 2 của khu vực Đông Nam bộ – “Vùng thi đua số 5” gồm Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận diễn ra vào ngày 19-3 tại tỉnh Bình Dương.
Đi cả trăm cây số mới tới điểm thi
Nhiều sở cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem xét lại việc thi theo cụm giúp các trường đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo… dễ thở hơn. Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận cho rằng: Vừa qua Cục Khảo thí – Kiểm định chất lượng giáo dục ra thông báo thi tốt nghiệp (TN) THPT tổ chức theo cụm thì công tác tổ chức với tỉnh Bình Thuận rất khó khăn. Đặc biệt, nếu thi như vậy học sinh của tỉnh có nơi các em phải di chuyển cả trăm cây số mới đến được điểm thi, rồi chuyện tổ chức ăn ở cho các em sẽ ra sao. Đó là chưa nói tới nếu trong quá trình di chuyển lỡ xảy ra tai nạn giao thông thì thật khó lường. Phương án mà trường này đề nghị là bộ nên giao trách nhiệm cho UBND tỉnh rồi tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT tổ chức thực hiện.
“Nếu chúng tôi thực hiện không tốt thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dư luận xã hội, chịu trách nhiệm trước bộ. Và với phương án này Bộ GD-ĐT chưa “an tâm” thì có thể cử thanh tra xuống trực tiếp giám sát công tác tổ chức thi của sở” - ông Hiến khẳng định.
Đồng tình với phương án này, ông Phan Sỹ Giản, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Phước cũng đề xuất nên để tỉnh tổ chức thi theo điểm vì đa phần học sinh của tỉnh ở rất xa. Nếu thi theo cụm, thì chắc chắn sẽ rất tốn kém cho phụ huynh học sinh vì phải gánh thêm chi phí đi lại, ăn ở. Đại diện các sở khác phân tích nếu học sinh ở các hải đảo xa xôi thì không thể dồn hết vào đất liền để thi mà nên tổ chức thi tại nơi đó và có cử thanh tra giám sát.
Ngoài vấn đề nói trên, các sở đều cho rằng Cục Khảo thí nên xem lại phương án đánh số phách 2 lần trên giấy thi. Lý do mà các sở đưa ra là làm như thế vô tình tạo thêm sự lãng phí thời gian và nhất là sẽ dẫn đến nhiều nhầm lẫn cho các hội đồng thi.
Thiếu thông tin hướng dẫn cụ thể
Ông Võ Hiền Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh, than phiền việc triển khai thực hiện Thông tư 35/2008 TTLT-BGDĐT-BNV của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Theo tinh thần của thông tư, giám đốc Sở GD-ĐT toàn quyền quyết định ký bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự của ngành như thực tế công việc này vẫn do UBND tỉnh quyết định. Do đó, để thuận tiện hơn cho các sở, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT nên có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.
Về quy định chế độ công tác của giáo viên mầm non, phổ thông để đến nay vẫn sử dụng theo văn bản cũ nên việc áp dụng Thông tư 50 về tính tiền lương dạy thêm cho giáo viên rất khó thực hiện. Xung quanh thông tư này, ông Phan Sỹ Giản cho rằng việc quy định “chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở các trường học không thiếu nhà giáo theo định mức biên chế cho nhà giáo dạy thay khi có nhà giáo nghỉ ốm, thai sản” là chưa hợp lý. Bởi vì sẽ có trường hợp nhà giáo được phân công đi công tác, hoặc đi học phải có nhà giáo dạy thay và buộc phải được thanh toán tiền dạy thêm giờ cho giáo viên đó. Ngoài ra, một số trường ở những vùng khó khăn, giáo viên bộ môn chưa đồng bộ, có trường hợp nhà giáo được phân công dạy tăng giờ hơn 200 giờ tiêu chuẩn/năm.
Bên cạnh đó, các sở còn đề nghị Bộ GD-ĐT nên ban hành tiêu chuẩn đánh giá công nhận “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để các sở có cơ sở thực hiện.
Cũng giống như các tỉnh tại khu vực ĐBSCL, các tỉnh vùng thi đua số 5 tỷ lệ học sinh bỏ học tăng dần theo các cấp. Trong đó, Bình Phước “dẫn đầu” về tình hình bỏ học (TH: 0,26%, THCS: 1,3%, THPT: 2,35)”; học sinh yếu THPT: 44,1%. Kế đến là các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Theo lý giải của các sở, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chủ yếu do điều kiện tự nhiên đặc thù của mỗi vùng miền nên số học sinh trong năm học có nhiều biến động. Trước áp lực kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên nhiều phụ huynh thiếu quan tâm, đầu tư... các em phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Hơn nữa, kiến thức chương trình SGK còn khá cao so với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn (phòng học, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, trang thiết bị giảng dạy) của học sinh miền Đông Nam bộ.
THANH HÙNG