Hội nghị Genève: Đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Ngày 21-7-1954, Hội nghị Genève họp phiên bế mạc và thông qua “Tuyên bố cuối cùng” về hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, đó cũng là thắng lợi to lớn của nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ

Ngày 8-5-1954, một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp thất thủ, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, với tư thế của một dân tộc chiến thắng.

Đây là lần đầu tiên, nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tham gia vào một hội nghị quốc tế có đại diện của 5 nước lớn là: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ.

1gionevo_a.jpg
Hội nghị Genève (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương

Rạng sáng 21-7-1954, ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết. Cũng trong ngày 21-7-1954, hội nghị họp phiên bế mạc và thông qua “Tuyên bố cuối cùng” về hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương, gồm 13 điểm, trong đó khẳng định sự hài lòng của các bên tham gia hội nghị về việc chấm dứt chiến sự ở các nước Đông Dương; khẳng định các bên tham gia hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời quy định việc quân đội Pháp rút khỏi các nước Đông Dương... Phái đoàn Mỹ không tham gia vào bản tuyên bố của hội nghị và ra một bản tuyên bố riêng.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, “Hiệp định Genève tóm lại gồm hai điểm quan trọng: Một là, quy định giới tuyến quân sự tạm thời; Hai là, tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam, hai năm sau ký Hội nghị Genève, nghĩa là tháng 7-1956. Hai điểm này quan hệ mật thiết với nhau, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời bởi lẽ khi có tổ chức “tổng tuyển cử” nhằm thống nhất nước Việt Nam thì tất nhiên không còn có giới tuyến này nữa”.

Những giá trị còn mãi

Ý nghĩa lịch sử to lớn của Hội nghị Genève được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi ngay sau hội nghị kết thúc (22-7-1954): “Hội nghị Genève đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to... Chính phủ Pháp đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta, thừa nhận quân đội Pháp sẽ rút khỏi nước ta”.

Đến ngày 25-7-1954, Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tiếp tục khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta... cũng là thắng lợi của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, của nhân dân các nước bạn, của nhân dân Pháp... là thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược... thất bại của đế quốc Mỹ”. Nói về ý nghĩa thắng lợi của Hội nghị Genève, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví một cách sinh động rằng: “Nếu như trước đây ta chỉ có rừng núi và đêm, giờ đây ta có cả sông biển và ban ngày”.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hội nghị Genève là bước thắng lợi chiến lược cơ bản đầu tiên vô cùng quan trọng để chúng ta tiến tới những bước thắng lợi sau cao hơn cho đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn. Trên thực tế, không có tiền đề do Hội nghị Genève tạo ra thì khó có được những bước thắng lợi sau này. Với Hội nghị Genève, chúng ta đã đưa lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị miền Nam ra miền Bắc xây dựng, bồi dưỡng, đưa một lượng không nhỏ học sinh miền Nam ra miền Bắc đào tạo và trở thành những cán bộ cốt cán sau này.

Hội nghị Genève cũng đã dành cho miền Bắc hơn 10 năm hòa bình để xây dựng thành hậu phương lớn chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Đồng thời, Hội nghị Genève còn là thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Bởi nó đã góp phần làm giảm tình hình căng thẳng ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là mở đầu sự sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - Latinh; tạo môi trường thuận lợi cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa phát triển lực lượng; ngăn chặn kịp thời âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh, tiến đến khống chế tình hình khu vực Đông Nam Á của Mỹ.

Năm 1998, trên cơ sở khai thác nhiều tư liệu mới và tham khảo ý kiến của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) kết luận: “Hội nghị Genève chỉ là một bước tạm ngừng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để ta củng cố thắng lợi đã giành được, chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chống đế quốc Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ta ký Hội nghị Genève như vậy là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp như thế là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng ta - địch trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc đó. Vì lúc này, về phía địch, thực dân Pháp tuy thất bại lớn nhưng còn lực lượng và còn đằng sau Pháp là đế quốc Mỹ đang có mưu đồ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Còn ta lúc đó thắng to, nhưng cũng có những khó khăn mới, chưa đủ điều kiện để tiếp tục chiến tranh để giải phóng cả nước. Trên trường quốc tế, các nước anh em, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc đều muốn có hòa bình để xây dựng đất nước và đều muốn cuộc chiến tranh ở Đông Dương đi tới một giải pháp”.

Mặc dù còn có những mong muốn nhằm đạt được những vấn đề có lợi hơn tại Hội nghị Genève, nhưng trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ có thể khẳng định, Hiệp định Genève là một thắng lợi về chính trị và ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là thành công lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một nấc thang đi lên trong tiến trình giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

Đồng thời, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu: một là, phải tạo ra cục diện vừa đánh, vừa đàm phán để giành thắng lợi; hai là, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc cao nhất trong hoạt động đối ngoại; ba là, giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình đàm phán, ký kết; bốn là, kiên trì lập trường kết thúc chiến tranh trên cơ sở hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước; năm là, đánh giá chính xác tình hình quốc tế, nhất là thái độ của các nước lớn để có đối sách phù hợp.

Những bài học kinh nghiệm được đúc kết cần được chắt lọc, vận dụng trong hoạt động đối ngoại thời kỳ mới, trước tiên là thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại được chỉ rõ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1-2021): Việt Nam "thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại...

Việt Nam là bạn, là đối tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", từ đó góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để khơi dậy và thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục