Tăng cường phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế
Lãnh đạo các nước ASEAN đều thống nhất cách tiếp cận trong vấn đề phòng chống dịch Covid-19, tùy vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi nước. Các sáng kiến trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam được đánh giá cao và trao đổi để tiếp tục triển khai. Đặc biệt, với sáng kiến của Việt Nam về thiết lập Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, ASEAN hoan nghênh sự đóng góp của các nước thành viên và các đối tác bên ngoài cho Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 với tổng số tiền cam kết lên tới 25,8 triệu USD. Trong đó, 10,5 triệu USD sẽ được trích để mua vaccine cho người dân ASEAN sớm nhất vào quý I và quý II/2022.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng ASEAN cần phải thay đổi về nhận thức, buộc phải thích ứng, linh hoạt, an toàn trong trạng thái bình thường mới và cùng đoàn kết chung tay chống dịch bệnh. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố danh mục vật tư y tế trị giá nhiều triệu USD mà Việt Nam cam kết đóng góp cho Kho Dự phòng vật tư y tế ASEAN. Là một trong số các nước ASEAN đang đẩy mạnh nghiên cứu và chủ động sản xuất vaccine, Việt Nam đề nghị sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19, hình thành chuỗi cung ứng tự chủ của khu vực.
Một trọng tâm rất quan trọng nữa của các nhà lãnh đạo ASEAN trong các hội nghị lần này là tìm cách phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Ưu tiên đầu tiên mà lãnh đạo các nước ASEAN đề ra là phục hồi du lịch, đảm bảo thông thương, đi lại cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc mở cửa các hành lang xanh, an toàn.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.
Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, ASEAN cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao.
Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhằm đóng góp cho quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch của khu vực.
Xây dựng đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác đa phương
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, điều được hội nghị hết sức quan tâm là làm thế nào để giữ vững đoàn kết, nhất trí, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Tại hội nghị, các nước tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN nhằm giải quyết các thách thức chung. ASEAN cần tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong mọi vấn đề tác động đến khu vực, phát huy tinh thần độc lập trong ứng xử, trung lập trong xử lý và cân bằng trong quan hệ với các nước lớn.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận những vấn đề đặt ra trong khu vực như vấn đề Biển Đông, tình hình Myanmar, vấn đề an ninh mạng, vai trò của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực và với các đối tác của ASEAN.
Về tình hình Biển Đông, một số quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất, các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có nguy cơ phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Hội nghị cũng hoan nghênh mối quan hệ hợp tác không ngừng được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc, tiến độ các cuộc đàm phán thực chất nhằm sớm đúc kết một Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 theo mốc thời gian được hai bên nhất trí.
Tại các hội nghị, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi đoàn kết, giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Cho rằng, ASEAN cần tiếp tục con đường này phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, văn kiện đã vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác như Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc…, lãnh đạo các nước đều phát biểu ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã khẳng định lập trường nhất quán của Malaysia rằng các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và hợp lý thông qua đối thoại và tham vấn, sử dụng các diễn đàn và kênh ngoại giao phù hợp.
Ông Yaakob cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong các cuộc đàm phán liên quan tới giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển giàu tài nguyên này; đồng thời cho biết Malaysia mong đợi quá trình đàm phán để đạt được COC hiệu quả và thực chất sớm kết thúc.
Với chủ đề “Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vượng”, Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39 cùng các hội nghị cấp cao liên quan khác đã tiếp tục góp phần duy trì đoàn kết, thống nhất của ASEAN, phát huy tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra, ngày càng củng cố vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN. Là một thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam khẳng định tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, sẻ chia trách nhiệm trong các công việc chung của ASEAN.