Chiều 15-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Bangkok, Thái Lan, bắt đầu dự Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 9.
Chương mới cho hợp tác khu vực
Hội nghị ACMECS lần thứ 8, CLMV lần thứ 9 diễn ra trong bối cảnh hợp tác Tiểu vùng Mekong tiếp tục có những bước tiến quan trọng góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hội nhập và phát triển tại lưu vực sông Mekong, quan hệ Việt Nam và các nước Mekong ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu.
Sau hơn 15 năm hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước khu vực Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Nhờ các cải cách kinh tế sâu rộng và nỗ lực tự do hóa, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, khu vực Mekong đã trở thành khu vực phát triển năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng của ASEAN.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hội nghị trên nhằm thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác ACMECS và CLMV; nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong 2 diễn đàn hợp tác này, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối khu vực, hợp tác nguồn nước, thương mại và đầu tư.
3 trụ cột chính
Theo báo Bangkok Post, “Cùng nhau phát triển” là mục tiêu chính của Chính phủ Thái Lan theo khuôn khổ chiến lược kinh tế ACMECS.
Báo dẫn lời Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho rằng ACMECS sử dụng các thế mạnh đa dạng của các nước thành viên để thúc đẩy phát triển cân bằng trong tiểu vùng.
Ông Somkid cho rằng mặc dù 5 thành viên không phải là một khối lớn với dân số khoảng 200 triệu người, sự hợp tác của khối sẽ mở ra trong một thị trường đáng kể. Nền kinh tế của khối đã tăng trưởng trung bình hàng năm 7%-8% trong thập kỷ qua, tỷ lệ được xem là mạnh nhất so với các khu vực khác ở châu Á.
Ông Somkid nói: “Kết quả tăng trưởng kinh tế đáng kể và lâu dài của khối cùng với lực lượng lao động dồi dào và khả năng kết nối cao sẽ mang lại tiềm năng to lớn cho khu vực”.
Theo Phó Thủ tướng Thái Lan, kế hoạch tổng thể 5 năm (2019-2023) của ACMECS nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác nhiều hơn giữa các quốc gia thành viên làm cho khối này mạnh hơn và hiệu quả hơn trong việc kiểm soát ảnh hưởng từ những thay đổi toàn cầu trong tăng trưởng kinh tế.
Kế hoạch tổng thể của ACMECS bao gồm 3 trụ cột chính - kết nối liền mạch, nền kinh tế đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực bền vững. Về kết nối liền mạch, các chiến lược sẽ bao gồm phát triển giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy cùng với việc tăng cường kỹ thuật số và Internet. Những điều này sẽ thúc đẩy kết nối khu vực, mang lại lợi ích cho thương mại, đầu tư và du lịch.
Về nền kinh tế ACMECS đồng bộ, các thành viên sẽ tổ chức các diễn đàn thương mại nội bộ chung và cùng nhau phát triển du lịch, bao gồm cả triển khai các gói tour du lịch để thu hút khách du lịch nước ngoài đến khu vực. Khối cũng sẽ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo phát triển bền vững, bao gồm cả khái niệm nguồn nhân lực thông minh. Kế hoạch tổng thể cũng mở đường cho các cường quốc, tổ chức như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia… xem xét các kế hoạch hợp tác hoặc hỗ trợ tài chính cho khu vực.