WTO đã hy vọng Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) kéo dài 4 ngày tại Geneva (dự kiến ban đầu từ ngày 30-11 đến 3-12) sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho tổ chức này, vốn đang cố gắng đạt tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề như trợ cấp ngành thủy sản đã bế tắc trong nhiều năm qua.
Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala cũng hy vọng các nước sẽ đạt được tiến bộ đối với thỏa thuận dỡ bỏ các bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19. Bà đồng thời muốn nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đồng ý loại bỏ các rào cản thương mại ngăn cản việc tiếp cận vaccine của các nước.
Nhưng hội nghị đã bị hoãn lại chỉ bốn ngày trước khi được bắt đầu. Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Omicron là một biến thể đáng lo ngại.
Một loạt quốc gia và vũng lãnh thổ đã dừng khai thác các chuyến bay tới khu vực Nam Phi do lo ngại biến thể dễ lây nhiễm này. Bà Okonjo-Iweala cho biết, những hạn chế trong việc đi lại và yêu cầu cách ly kiểm dịch sẽ ngăn cản nhiều Bộ trưởng đến được Geneva, khiến việc tham gia hội nghị đông đủ là không thể.
164 thành viên WTO nhất trí ủng hộ việc hoãn lại cuộc hội nghị này.
Theo giới quan sát, đây là một diễn biến không mấy vui vẻ đối với WTO. Ngoài việc không thể đẩy nhanh đi đến ký kết các thỏa thuận thương mại lớn, tổ chức này còn phải vật lộn với căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh việc hệ thống giải quyết tranh chấp của họ bị gián đoạn.
Hội nghị cấp Bộ trưởng của WTO thường diễn ra hai năm một lần. Dự kiến, hội nghị sẽ thu hút hơn 100 Bộ trưởng tới Geneva, Thụy Sĩ, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, cùng với khoảng hơn 4.000 đại biểu tham gia.
Trước đó, hội nghị này đã bị hoãn một lần cũng do đại dịch Covid-19. Theo dự kiến ban đầu, MC12 sẽ diễn ra tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan vào tháng 6-2020.
WTO cho biết tổ chức này sẽ triệu tập lại hội nghị "càng sớm càng tốt”, khi các điều kiện cho phép.
Nam Phi lên tiếng trấn an về "siêu biến thể" Omicron Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố, biến thể Omicron mới phát hiện tại nước này không gây ra tình trạng bệnh Covid-19 nặng. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26-11, Bộ trưởng Phaahla nói rằng cho đến nay, các bác sĩ và giới chuyên gia chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy biến thể Omicron gây ra tình trạng bệnh nặng ở người bị nhiễm. Theo ông, hiện còn quá sớm để khẳng định xu hướng diễn biến của dịch bệnh gắn với sự xuất hiện của Omicron. Bộ trưởng Phaahla nói rằng chính phủ Nam Phi nhận thức rằng việc một số nhà khoa học ra tuyên bố về Omicron đã gây ra tâm lý hoảng sợ và bất an. Đây là phản ứng thiếu cơ sở khoa học. Ông nhấn mạnh có đầy đủ lý do để tin rằng các vaccine hiện vẫn hiệu quả trước biến thể mới. Ngày 25-11, kết quả xét nghiệm tại Nam Phi ghi nhận 2.500 ca nhiễm mới, tăng mạnh so với mức trung bình 580 ca/ngày một tuần trước đó. Các mẫu xét nghiệm cho thấy phần lớn trong số này là do biến thể mới gây ra. Hiện chưa rõ địa điểm khởi phát của siêu biến thể này, nhưng ca đầu tiên được xác định ở Nam Phi là tại tỉnh Gauteng, một trung tâm kinh tế lớn, đồng thời cũng là tỉnh ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt trong những ngày gần đây. |