Sáng 3-8, tại thủ đô Viêng Chăn, Lào đã khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM 48) và các hội nghị liên quan. Đây được xem là hội nghị quan trọng đầu tiên về kinh tế sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời cuối năm 2015.
Cần chiến lược cụ thể của AEC
Tham dự hội nghị có các Bộ trưởng, Thứ trưởng Kinh tế đến từ 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn tham dự hội nghị.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nêu rõ, kể từ khi thành lập, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên rất nhiều lĩnh vực. Việc tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 là một bước ngoặt lịch sử và hết sức quan trọng đối với tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN, giúp ASEAN trở thành một khu vực cạnh tranh, hội nhập với toàn cầu… Bên cạnh những thành tựu nói trên, ASEAN vẫn phải hoàn thành chương trình theo Kế hoạch tổng thể AEC, bởi việc xây dựng AEC chỉ là điểm khởi đầu của Cộng đồng ASEAN và cần tiếp tục tiến lên phía trước bằng một chiến lược cụ thể.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, với những nhiệm vụ trên, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này có ý nghĩa rất quan trọng; bày tỏ hy vọng các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ tập trung sức lực, trí tuệ vào việc trao đổi, thảo luận các vấn đề với tinh thần trách nhiệm cao, biến Kế hoạch xây dựng AEC thành hiện thực.
Một dây chuyền lắp ráp ô tô tại Indonesia
Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề và thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 22 tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan hồi tháng 3 vừa qua; tập trung thảo luận các kế hoạch hành động gồm 8 ưu tiên của Trụ cột kinh tế ASEAN. Dự kiến, các kế hoạch hành động trên sẽ được thông qua tại hội nghị lần này. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ trao đổi các tiêu chí xây dựng AEC, đề ra kế hoạch và phương hướng trong tổ chức thực hiện Kế hoạch AEC tới năm 2025.
Sẽ không có Brexit ở ASEAN
Một số nhà phân tích chính trị - kinh tế trên thế giới đã phản ứng về kết quả việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit và họ so sánh về khả năng này xảy ra với ASEAN. Tuy nhiên, trong bài viết trên tờ The Straits Times ngày 3-8, giáo sư Reuben Wong thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, sẽ không có Brexit với ASEAN.
Theo giáo sư Wong, có nhiều cảnh báo ASEAN nên cẩn thận với các dự án, như Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng kinh tế và việc cho phép di chuyển tự do về 8 loại nghề nghiệp có thể tăng thêm lo ngại về mất việc làm. Nhưng vị giáo sư này cho rằng, hầu hết những so sánh này đặt không đúng chỗ vì EU và ASEAN là những cơ chế rất khác nhau. Thứ nhất, người sáng lập EU mường tượng ra một trật tự dựa trên tầm nhìn của một châu Âu siêu quốc gia. Họ cam kết vượt qua các ranh giới quốc gia về kiểm soát chủ quyền để chia sẻ các nguồn tài nguyên. Trong khi ASEAN sử dụng tổ chức của mình để đảm bảo chủ quyền và xây dựng mỗi quốc gia riêng biệt. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia là nguyên tắc bất khả xâm phạm của ASEAN. Hơn nữa, ASEAN không có tiền tệ chung, không có hộ chiếu chung. 4 quyền tự do tại EU gồm di chuyển tự do hàng hóa, vốn, dịch vụ. Điều này không tồn tại hoặc bị hạn chế trong khu vực ASEAN. Thứ hai, hàng loạt các cuộc khủng hoảng ở châu Âu kể từ năm 2009, trong đó có cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro, tiếp theo là vấn đề Ukraine, dòng người tị nạn từ Trung Đông và sự nổi dậy của các phần tử khủng bố khiến lòng tin của từng thành viên về sức mạnh của khối sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, khu vực ASEAN may mắn có nền kinh tế tiếp tục phát triển, không có quốc gia nào bị giảm phát và không phải đối mặt với dòng người nhập cư. Thứ ba, độ sâu của hội nhập của các thành viên trong ASEAN vẫn ở mức thấp.
KHÁNH MINH (tổng hợp)