Theo báo Deutsche Welle (Đức), cuộc xung đột Nga - Ukraine là một trong những chủ đề trọng tâm của sự kiện vốn có nhiệm vụ “góp phần giải quyết hòa bình các cuộc xung đột”.
Báo cáo của MSC được công bố trước thềm hội nghị đã nêu bật những nguy cơ từ thực tế chia rẽ ngày càng tăng giữa các thể chế, đồng thời kêu gọi tái cấu trúc một tầm nhìn an ninh mới trong cộng đồng quốc tế. Được tổ chức thường niên từ năm 1963 tới nay, MSC tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng lại là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, thảo luận các biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng, đối phó với các thách thức, nguy cơ, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.
Theo quan điểm của Chủ tịch MSC Christoph Heusgen, thách thức trực tiếp mà châu Âu đang phải đối mặt là lý do để tăng cường đối thoại. “Cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động trực tiếp đến trật tự dựa trên luật lệ”, ông C.Heusgen viết trong Báo cáo An ninh Munich dài 176 trang.
Báo cáo cũng gợi ý một số câu hỏi cần giải đáp tại MSC 2023: Tại sao nhiều quốc gia châu Âu ngần ngại ủng hộ Ukraine và chỉ trích Nga? Bài học nào rút ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương?
Liana Fix, thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở Washington, Mỹ, nói: “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh để cộng đồng phương Tây nhận ra sau cuộc xung đột Nga - Ukraine rằng không phải tất cả các nước sẽ ngay lập tức chỉ trích Nga”.
Theo chuyên gia Fix, tái cân bằng mối quan hệ kinh tế có lẽ là ý tưởng thực chất hơn các sáng kiến ngoại giao và các chuyến công du, cũng như thể hiện sự hiện diện. Mỹ sẽ cần đến các quốc gia không thuộc phương Tây, chẳng hạn như các quốc đảo nhỏ nằm rải rác trên Thái Bình Dương mà lâu nay họ vẫn bỏ qua, đứng về phía mình