Ứng phó thách thức
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen, khó đoán định như gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn, tình hình bán đảo Triều Tiên, biển Đông... hay các khó khăn đến từ kinh tế như xu hướng bảo hộ trên toàn cầu, thương mại giảm sút.
Trên cơ sở nhận diện các khó khăn và thách thức, tại hội nghị AMM 51, các bộ trưởng tập trung thảo luận về các định hướng, giải pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN; triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng theo Tầm nhìn ASEAN 2025; nâng cao khả năng tự cường của ASEAN để ứng phó với các thách thức nổi lên. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng cũng được đề cập tại hội nghị lần này là tăng cường đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và trong quan hệ với các đối tác; thúc đẩy xây dựng và đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử ở khu vực, trong đó có tiến trình soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Phát triển thương mại đa phương
Trong bài phát biểu khai mạc AMM 51, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi các nước thành viên ASEAN gửi một tín hiệu rõ ràng về cam kết tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế. Theo đó, ông Lý Hiển Long bày tỏ hy vọng các nước sẽ hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại. Thừa nhận các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng, song nhà lãnh đạo Singapore cho rằng ASEAN cần tiếp tục hỗ trợ phát triển thương mại đa phương dựa trên quy tắc và làm việc với các đối tác cùng chí hướng với mục tiêu tăng cường hợp tác.
Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh, ASEAN phải nắm bắt cơ hội của đổi mới và xây dựng kết nối kỹ thuật số để chuẩn bị cho người dân trong tương lai, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, lấy ví dụ điển hình là cuộc tấn công mạng Singhealth vừa diễn ra tại Singapore vào tháng trước. Ông cho biết, trên cơ sở đó Singapore sẽ nâng cấp Trung tâm Hợp tác ASEAN tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhằm chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các đối tác.
Bộ trưởng 10 nước thành viên ASEAN ra thông cáo chung nêu rõ ASEAN cần củng cố sức mạnh nội tại thông qua các biện pháp gia tăng hơn nữa thương mại-đầu tư nội khối, liên kết kinh tế khu vực. Trước tình hình thiên tai, thảm họa liên tiếp xảy ra trong khu vực, trong đó có vụ vỡ đập thủy điện tại Lào, các bộ trưởng cho rằng cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau; trong đó có việc củng cố và phát huy vai trò của Trung tâm Điều phối ASEAN về quản lý thiên tai và cứu trợ nhân đạo (Trung tâm AHA). Về tình hình khu vực và quốc tế, các bộ trưởng đã ký văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) với Argentina và Iran, nâng tổng số các quốc gia tham gia hiệp ước này lên 37 nước.
Liên quan đến tình hình biển Đông, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông; chia sẻ quan ngại trước hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin, gây phương hại tới hòa bình và an ninh khu vực. Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế, không có các biện pháp làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC).
Các bộ trưởng ghi nhận một số tiến triển vừa qua trong thương lượng, trong đó có việc thống nhất Văn bản dự thảo thương lượng duy nhất làm cơ sở đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC. Trước những diễn biến tình hình phức tạp trên thực địa, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hoá và kiềm chế, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan, trong đó có các nghĩa vụ ghi ở DOC.