Chúng ta đều biết, hồi ký, tự truyện là một thể loại tuy khác tên nhưng thực chất chỉ là một. Theo cách gọi của một chuyên mục trên báo Tuổi trẻ thì đó là “Chuyện đời tự kể”. Và tùy theo nội dung và mức độ nổi trội của tên tuổi tác giả mà thu hút hay không sự chú ý của công luận.
Tuy nhiên, trong cuộc đời con người, không phải tất cả mọi điều đều được các tác giả lữu giữ đầy đủ trong ký ức, và không phải tất cả đều cần thiết được phơi trải trên trang sách. Và vì mục đích của mỗi người khi thực hiện cuốn hồi ký hoặc tự truyện là khác nhau, cho nên mọi tình tiết được nêu ra đều có “chọn lọc” và chắc chắn không thể thoát được cách nhìn chủ quan của người viết.
Trước đây, tôi từng được nghe câu chuyện kể về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi có người khuyên Thủ tướng nên viết hồi ký, ông đã cười khà khà và thốt lên: “Kỳ quá! Kỳ quá! Hồi ký là để khoe những gì mình làm được và để phân bua những gì mình bị phê phán”. Điều này, soi vào một số cuốn hồi ký đã xuất bản, không phải không có cơ sở.
Nhà văn Tô Hoài có lần than thở với tôi rằng: Trước đây (tức thời kỳ tiền khởi nghĩa), các ông thoát ly đi hoạt động cách mạng là phải bí mật. Nói như thơ Tố Hữu: “Dấn thân vô là phải chịu tù đầy/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa”. Vậy mà đọc một số cuốn hồi ký của người này, người khác, ông thấy việc tham gia cách mạng diễn ra nô nức, dễ dàng thuận lợi cứ như “đi trẩy hội”. Thậm chí, có người, đối chiếu tuổi đời thì thấy lúc đó đang ở tuổi còn để chỏm, thế mà trong sách thì rõ oai vệ, có vai trò lắm, chỉ huy chỉ đạo cả bao nhiêu người. Chẳng thế mà có cuốn in ra đã bị các nhân chứng phản ứng, thậm chí có cuốn phải thu hồi. Theo quy định, có những cuốn sách phải qua Hội đồng thẩm định.
Trước giai đoạn đổi mới, cũng như một thể loại văn học khác là tiểu thuyết, việc dựng chân dung nhân vật trong hồi ký, tự truyện của các văn nghệ sĩ đa phần đều một chiều. Đã xấu là xấu hẳn, tốt thì từ đầu tới chân đều tốt. Với những nhân vật có thành tích, đóng góp cho kháng chiến thì được dựng bằng những chi tiết đẹp, những nhân vật có tì vết thì được nhấn mạnh bằng những tình tiết xấu. Chỉ đến giai đoạn sau đổi mới, cách nhìn nhận con người theo kiểu ấy mới dần được thay thế bằng một cách phản ánh đa chiều hơn.
Nhà văn Sao Mai trong cuốn hồi ký in ở NXB Công an Nhân dân trước đây non chục năm cũng đặt tên là “Sáng tối mặt người”, cho thấy xu hướng viết về con người đa chiều, đan xen những cái xấu, cái tốt là một xu hướng ngày càng phổ biến trong tự truyện, hồi ký văn học.
Tuy nhiên, mải mê với sức cám dỗ của lời văn, cách dẫn chuyện, bạn đọc dường như không để ý tới độ chính xác của những câu chuyện trong các cuốn hồi ký, tự truyện này. Trước hết, bởi họ tin ở tác giả cuốn sách - những văn nghệ sĩ mà họ hằng ngưỡng mộ. Chỉ thỉnh thoảng đây đó có những người không hài lòng với cách phản ánh về mình, hoặc người thân của mình trong sách, thì mới có những phản ứng, nhưng đa phần là nhỏ lẻ, yếu ớt, không vượt qua bờ rào của những bàn trà, quán nhậu. Nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ vấn đề về độ trung thực của các tình tiết, nhất là khi một số nhân vật đã khuất và gia đình không có điều kiện để yêu cầu cải chính.
Hiện nay, trên nhiều trang web đang xuất hiện những cuốn hồi ký, tự truyện mà tác giả là một số trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi. Mặc dù đây đó đã có những bài báo mạnh mẽ lên tiếng bày tỏ thái độ về tính mục đích, độ trung thực của những cuốn sách này, song, như một sự “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, xem chừng đang có một số tác giả muốn “tiếp bước” trong việc chuẩn bị tung ra dư luận những ấn phẩm dạng này. Dường như với họ, cơ hội biết được một số điều “khác lạ” so với cái “biết chung” của mọi người đang là một “báu vật” mà họ không dễ gì chịu để vuột mất. Họ đâu biết rằng, “sự thật” đâu phải là tất cả nếu như đó chỉ là “sự thật tủn mủn”, không làm thay đổi được bản chất của vấn đề.
Ngạn ngữ phương Tây có câu “Không có vĩ nhân dưới con mắt của kẻ hầu phòng”. Thực tế, con người luôn tìm ra những vĩ nhân để tôn thờ, và những hình tượng ấy sẽ không bao giờ bị hao tổn chỉ bởi cách nhìn nhỏ nhen, dung tục của những kẻ hầu phòng. Bởi vậy tôi cho rằng, trong bối cảnh mà mọi tác phẩm, mọi thông tin đều dễ dàng được cập nhật, phổ biến như hiện nay, việc xuất hiện những cuốn hồi ký, tự truyện có nội dung không lành mạnh là những biến chứng không hay. Dù thế nào thì những cuốn sách đó, bài viết đó cũng cho ta thấy không chỉ những người liên quan mà là chân dung của chính tác giả, kể cả sự lắt léo không trung thực của họ. Vấn đề là song song với những cuốn sách, bài viết đó, chúng ta cần phải rộng đường cho người khác lên tiếng, từ đó góp phần định hướng cho độc giả nhận chân được đúng - sai. Như thế chẳng hơn là những lời xì xào, bất thành văn, rồi biến tướng thành giai thoại nửa thực nửa hư không biết đâu mà lần?
Phạm Khải