Trong cuốn hồi ký Sự thật ta nắm giữ, với cách kể chuyện cuốn hút, Kamala Harris đưa người đọc trở về với hành trình bà đã trải qua, từ con gái của những người nhập cư da màu, đến vai trò công tố viên, Tổng chưởng lý, rồi trở thành một Thượng nghị sĩ của Mỹ, và giờ đây là đương kim nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Mẹ của Kamala đến từ Ấn Độ và cha bà đến từ Jamaica, họ gặp nhau và yêu nhau khi còn là sinh viên đại học, tham gia vào phong trào dân quyền của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, họ quyết định kết hôn và ở lại nước Mỹ lập nghiệp - điều này đồng nghĩa mẹ bà từ chối việc trở lại quê nhà để kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình. Kamala còn có một em gái, tuy nhiên khi bà 7 tuổi và em gái còn nhỏ, cha mẹ bà đã ly hôn. Hai chị em bà sống với mẹ, và mẹ bà chính là người tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến con người và cuộc sống sự nghiệp của bà.
Những hoạt động sôi nổi của cộng đồng người da màu ở Rainbow Sign, những hoạt động dân quyền mà cha mẹ Kamala đã cho bà tham gia từ thuở bé… không chỉ giúp Kamala nhận biết, hình thành được những kỹ năng phát triển bản thân, lãnh đạo hữu ích; mà còn khiến ý thức đấu tranh cho công bằng in sâu vào suy nghĩ, hình thành nên đam mê, tín ngưỡng, lý tưởng sống của bà.
Niềm đam mê, lý tưởng ấy đã dẫn Kamala đến trường luật, sau đó thăng tiến qua các cấp bậc chính trị ở California từ Văn phòng Biện lý quận Alameda đến Văn phòng Biện lý quận San Francisco, nơi bà phục vụ với tư cách là Chưởng lý quận trước khi được bầu làm Tổng chưởng lý của California, rồi trở thành Thượng nghị sĩ của Mỹ.
Với tư cách là Tổng Chưởng lý của California, bà đã làm việc để thực hiện chương trình giúp đỡ những người phạm tội nhẹ từng ngồi tù “Trở về đúng hướng” trên toàn tiểu bang, không chỉ giúp tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách địa phương, mà còn mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho những người được giúp đỡ, cũng như những tác động tích cực cho đời sống cộng đồng.
Với tư cách là Thượng nghị sĩ, một trong những hành động đầu tiên của bà là đưa ra cải cách tư pháp hình sự, nhằm xóa bỏ những bất cập còn tồn tại. Tiếp đó, bà đã đồng tán thành một dự luật với Rand Paul, để cải cách vấn đề tại ngoại ở cấp tiểu bang, dù ông luôn đối lập với bà. Mỗi bước đi, Kamala đều chứng tỏ mình là một người phụ nữ của hành động, có trái tim cao cả, luôn hướng đến công lý cho những người yếu thế trong xã hội.
Xuyên suốt cuốn sách là niềm đam mê mà Thượng nghị sĩ Kamala Harris ủng hộ cho “những chân lý mà chúng ta nắm giữ”; và nó không chỉ đóng vai trò là một tuyên bố, mà còn như một lời kêu gọi hành động. Bà viết: “Sau nhiều năm nữa, con cháu của chúng ta sẽ tìm hiểu và gặng hỏi chúng ta. Chúng sẽ hỏi rằng chúng ta đã ở đâu khi tình hình nghiêm trọng như vậy. Chúng sẽ hỏi ta rằng mọi chuyện là như thế nào. Tôi không muốn chỉ cho chúng biết cảm giác của chúng ta. Tôi muốn kể với chúng những điều chúng ta đã làm”.