“Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” – người thầy của tôi

Có những cuốn sách, khi đọc xong, chẳng nhớ gì nhiều, ngoại trừ tiêu đề của tác phẩm nhưng cũng có những cuốn sách khi ta đọc xong sẽ tạo ra bước ngoặt trong suy nghĩ và hành động của ta, là động lực thúc đẩy ta làm một cái gì đó có ý nghĩa mà ta mong muốn. Những cuốn sách như vậy chính là người thầy trong cuộc sống của chúng ta.
“Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” – người thầy của tôi

Có những cuốn sách, khi đọc xong, chẳng nhớ gì nhiều, ngoại trừ tiêu đề của tác phẩm nhưng cũng có những cuốn sách khi ta đọc xong sẽ tạo ra bước ngoặt trong suy nghĩ và hành động của ta, là động lực thúc đẩy ta làm một cái gì đó có ý nghĩa mà ta mong muốn. Những cuốn sách như vậy chính là người thầy trong cuộc sống của chúng ta.

Cho đến thời điểm này, cuốn sách gây ấn tượng mạnh và giúp nhiều cho tôi trong cuộc sống là cuốn “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê”, sách xuất bản năm 1993, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Trước đó, tôi đã biết học giả Nguyễn Hiến Lê qua một số tác phẩm và rất thích thú trước lời văn trong sáng, giản dị và hết sức lôi cuốn, nhưng chỉ đến khi đọc hồi ký của ông mới thấy khả năng làm việc phi thường và khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông. Ngòi bút của ông trải đều trên khắp các lĩnh vực, từ sách học làm người cho đến giáo dục, văn học, sử học, triết học, biên dịch. Lĩnh vực nào ông cũng tỏ ra chuyên cần và đều có những cống hiến xuất sắc.

Trong các sách của ông thì loại sách học làm người có ảnh hưởng sâu rộng nhất, đặc biệt là cho giới thanh, thiếu niên. Chính loại sách này đã giúp rất nhiều cho biết bao thanh niên vượt khó trên đường mưu sinh và lập nghiệp. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, một độc giả quen thuộc của tác giả Nguyễn Hiến Lê ở

những thập niên 60 của thế kỷ trước, đã nhận xét rất chí lý rằng: “Ông dạy cho thanh niên nghị lực, thì chính ông là một tấm gương nghị lực” (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê).

Đọc “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê”, tôi thích nhất là những trang nói về mối giao tình giữa tác giả với thi sĩ Đông Hồ và học giả Giản Chi, tình đậm như nước mà vô cùng bền chặt, nếu như giao tình giữa tác giả đối với Đông Hồ là “tri kỷ” thì đối với Giản Chi lại là “tri âm”, đặc biệt là sự hợp tác của tác giả và học giả Giản Chi về việc nghiên cứu cổ văn Trung Quốc, mà sự ra đời cuốn “Đại cương triết học Trung Quốc” là sự kết hợp thành công của hai ông.

Kết thúc luồng suy nghĩ tản mạn này, xin được trích một câu trong cuốn “Sống đẹp” mà học giả Nguyễn Hiến Lê dịch từ cuốn “The Importance of Living” của Lâm Ngữ Đường, tôi rất lấy làm tâm niệm:

     Răn mình thì nên như cái khí (nghiêm khắc) mùa thu, xử thế thì nên như cái khí (ôn hòa, vui vẻ) mùa xuân.
     Một chữ “tình” để duy trì thế giới, một chữ “tài” để tô điểm càn khôn.

NGUYỄN HOÀNH XANH
 
(VPĐD – NHNN, 17 Bến Chương Dương, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục