Nhiều lời mời hấp dẫn
Mỗi sáng cuối tuần, tại TPHCM, người đi đường thường thấy nhiều nam thanh, nữ tú ăn mặc lịch sự, đứng tụ tập ở nhiều tuyến đường. Đó là nhân viên môi giới của các doanh nghiệp bất động sản đang chuẩn bị đưa khách đi xem đất dự án.
Ông Huỳnh Văn Trí (52 tuổi, ở quận 10, TPHCM) kể: “Qua lời chào mời từ tờ rơi quảng cáo, vợ chồng tôi nhận lời mời đi xem một dự án đất ở huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Sợ lắm! Nhốn nháo không khác gì một buổi “sơn đông mãi võ bán cao đơn hoàn tán”.
Hình như có sự phân công, các nhân viên môi giới cứ đeo bám từng khách hàng để giới thiệu viễn cảnh tươi đẹp của dự án. Khu đất ở tuốt trong rừng cao su, nhưng họ luôn miệng nói gần trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… Đìu hiu như vậy, không biết bao giờ triển khai, nhưng các nhân viên môi giới vẫn hối thúc vợ chồng tôi đặt cọc. Cả trăm triệu đồng chứ ít ỏi gì! Khi tôi nói không mang theo tiền thì nhân viên môi giới nói cứ ký xác nhận rồi thanh toán sau cũng được. Thậm chí, họ còn hỗ trợ chuyển khoản với các hợp đồng ký ngay tại chỗ”.
Tỉnh Long An với lợi thế đang phát triển, còn nhiều mặt bằng lớn, nhiều khu công nghiệp, nhà máy tập trung cũng ồ ạt xây dựng các khu dân cư.
Bà Nguyễn Thị Hoài Trinh (43 tuổi, ở quận 8, TPHCM) cho hay: “Cách đây gần 1 năm, tôi tham gia buổi đi xem đất dự án khu dân cư nông thôn ở ấp Tân Mỹ (huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Khu đất đó hơn 2ha, đã xây dựng một số tuyến đường nội bộ. Nhân viên môi giới cho biết đây là đợt rao bán đầu tiên. Sau khi ký hợp đồng 90 ngày, công ty sẽ ra sổ đỏ cho khách hàng; nay mai công ty sẽ mở bán đợt 2. Với triển vọng như vậy, khách hàng không có nhu cầu đầu tư tiếp thì bán lại có lời ngay. Công ty sẵn sàng mua lại và trao ngay 10% lợi nhuận cho khách hàng. Nghe hứa hẹn chỉ vài tháng mà lợi nhuận cao hơn gửi ngân hàng, tôi liền ký hợp đồng và rủ thêm vài người bạn cùng đầu tư. Nhưng rồi gần 1 năm qua, tôi đã điện thoại hàng trăm cuộc cho nhân viên môi giới, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hẹn chiếu lệ”.
Chưa được 10 đã mất 20
Bà Hoài Trinh đã nộp gần 900 triệu đồng mua lô đất ở ven quốc lộ 50, mã số A3-120, có diện tích hơn 80m2. Tiền đã trao nhưng gần 1 năm vẫn chưa có sổ đỏ. Quá bực tức, bà Trinh đến Công ty CP Đầu tư bất động sản Nam Phong Group (doanh nghiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng đất với bà Trinh), nhưng không giải quyết được. Bà Trinh yêu cầu nhân viên môi giới đưa bà đến xem lại khu đất và nhận ra không có gì tiến triển.
Trở về TPHCM, bà Trinh yêu cầu thanh toán, chấm dứt hợp đồng. Nhân viên môi giới cho biết bà phải chịu chi phí 20% để giải quyết vụ này và lại hứa hẹn sẽ đưa bà đi công chứng cấp sổ trong vòng 30 ngày.
Quá chán nản, bà Trinh cho biết: “Gần 1 năm trôi qua, hợp đồng không thực hiện đúng. Lời hứa rằng công ty sẵn sàng mua lại và trao ngay 10% lợi nhuận cho khách hàng, không được thể hiện trong hợp đồng. Vậy mà khi tôi đề nghị thanh lý hợp đồng lại còn phải chịu lỗ 20%”.
Tiếp nhận phản ánh của bà Trinh, phóng viên Báo SGGP đã đến tận nơi xác minh. Phía trước khu đất chỉ thấy tấm bảng Quy hoạch mặt bằng tổng thể khu dân cư nông thôn ấp Tân Mỹ. Theo đó, khu dân cư này có 201 lô đất ở, nhà liền kề với đất giao thông, lòng đường, vỉa hè, cây xanh tập trung, hồ thu nước thải có diện tích gần 27.000m2. Hàng cây xanh mới trồng còi cọc, do không người chăm sóc. Căng mắt tìm các công trình cây xanh, hồ thu nước thải… như bản vẽ, nhưng vô vọng. Bật điện thoại, mở định vị, dự án khu dân cư nông thôn cách xa trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại…
Mua đất dự án có thể có lợi nhuận cao, nhưng cũng nhiều rủi ro, do vậy người muốn đầu tư cần cẩn trọng, không nhẹ dạ nghe những lời đường mật của cò môi giới, mà phải đánh giá thật kỹ dự án, tìm hiểu rõ tính pháp lý của dự án, chọn lựa chủ đầu tư uy tín, biết cách phòng tránh rủi ro.