Hội họa thực vật: Mối lương duyên nghệ thuật và khoa học

Trong hội họa thực vật, để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi họa sĩ phải vận dụng, cân bằng kỹ năng quan sát khoa học và khả năng nghệ thuật…
Khách tham quan thưởng lãm các tác phẩm trong triển lãm “BOTANICAL ART: WAYS OF SEEING - Lăng kính thực vật họa”
Khách tham quan thưởng lãm các tác phẩm trong triển lãm “BOTANICAL ART: WAYS OF SEEING - Lăng kính thực vật họa”

Vừa lạ vừa quen

Hội họa thực vật tại Việt Nam từ trước đến nay luôn là một khái niệm nằm ngoài đời sống mỹ thuật. Ở đó, họa sĩ ngoài kỹ năng hội họa còn phải nắm vững kiến thức và có sự am hiểu nhất định về cấu trúc, hình dạng, màu sắc và tính chất mỗi loài thực vật… để từ đó tác phẩm hoàn thành không chỉ đẹp về mặt mỹ thuật mà còn đề cao sự chính xác đến từng chi tiết. Chính yêu cầu kép này khiến rất ít họa sĩ theo đuổi hội họa thực vật. Thậm chí, một giai đoạn người ta còn nhầm lẫn cho rằng hình vẽ minh họa trong các tài liệu sinh học, hay tranh vẽ cây, vẽ hoa cũng là hội họa thực vật.

Sự kiện triển lãm và tìm hiểu hội họa thực vật chủ đề BOTANICAL ART: WAYS OF SEEING - Lăng kính thực vật họa với sự tham gia của họa sĩ Phan Thị Thanh Nhã, do Annam Gallery và Lân Tinh Foundation (tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2021, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu nghệ thuật đương đại và hiện đại Việt Nam) tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, đã thu hút nhiều bạn trẻ tham dự. Đây được xem như một trong những sự kiện hiếm hoi về hội họa thực vật diễn ra trong nước, góp phần giúp những người yêu nghệ thuật trong nước hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật mới lạ này.

Bất ngờ với những tác phẩm trưng bày trong sự kiện, Nguyễn Ngọc Phương Mai (28 tuổi, nhân viên kiểm toán, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi cũng thích vẽ tranh, có đi học vài khóa vẽ ngắn hạn và thường rủ nhóm bạn đi xem triển lãm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi dự sự kiện về hội họa thực vật. Mỗi bức tranh ở đây không chỉ đẹp về tính mỹ thuật mà còn chính xác đến từng chi tiết về mặt khoa học. Đây đúng là sự kết duyên giữa nghệ thuật và khoa học khi tranh vừa đẹp vừa phải đảm bảo tính chính xác tuyệt đối”.

Giá trị riêng của hội họa thực vật

Hiện nay, Margaret Flockton (Margaret Flockton Award - MFA) là giải thưởng quốc tế duy nhất dành cho “minh họa khoa học cho thực vật” - Botanical Illustration. Họa sĩ Phan Thị Thanh Nhã (một trường hợp vô cùng hiếm hoi tại Việt Nam, khi vừa là một nhà thực vật học vừa là một họa sĩ) là đại diện đầu tiên và duy nhất đến nay của Việt Nam đạt giải thưởng Margaret Flockton năm 2023.

Họa sĩ Thanh Nhã chia sẻ: “Cuối năm 2022, khi tham gia triển lãm Flora of Southeast Asia (Hệ thực vật của Đông Nam Á) diễn ra ở Botanical Art Gallery, Singapore, tôi có dịp gặp gỡ và chuyện trò với các họa sĩ đến từ các hiệp hội hội họa thực vật và nhiều người đã khuyên tôi tham gia MFA. Tôi quyết định chọn 2 bản vẽ của các cây bản địa Việt Nam là cà na và bứa Phương Mai để gửi tham dự. Trong đó, bứa Phương Mai được các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản công bố là một loài mới trên tạp chí Kew Bulletin vào tháng 4-2023”.

Độc đáo và không dễ theo đuổi, nhưng trước sự phát triển không ngừng của công nghệ sao chép hình ảnh, liệu hội họa thực vật có chịu sức ép trước độ phân giải cao và tốc độ nhanh của máy ảnh? Họa sĩ Thanh Nhã phân tích: “Trong mỗi bài báo khoa học công bố loài thực vật mới, phần mô tả loài luôn gồm 1 văn bản bằng chữ và 1 bản bằng hình (hình chụp và bản vẽ minh họa khoa học cho thực vật). Hình chụp và bản vẽ minh họa có vai trò và ý nghĩa riêng, bổ trợ lẫn nhau và cùng phần mô tả văn bản giúp mọi người nhận dạng rõ ràng loài được công bố trong bài”.

Việc chụp bằng máy ảnh cho kết quả nhanh nhưng không thể làm được một số việc. “Các bộ phận của cây có cấu tạo phức tạp hay có màu trắng thì hình chụp sẽ không thể hiện rõ. Bản vẽ tay sẽ trực tiếp mô tả các bộ phận này, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại vi (cường độ sáng, chất lượng máy ảnh, độ phức tạp của mẫu...). Nếu mẫu vật bị gãy, dập, hư hỏng, bị côn trùng ăn... thì họa sĩ sẽ làm việc với nhà thực vật học để tái tạo lại mẫu vật ở tình trạng tốt nhất trên bản vẽ. Khi cấu trúc vật quá phức tạp, ví dụ phát hoa của một số họ Cói - Cyperaceae, họ Hòa bản - Poaceae... thì họa sĩ sẽ tiến hành sơ đồ hóa các cấu trúc này để giúp người xem dễ hiểu hơn”, họa sĩ Thanh Nhã chia sẻ thêm.

Hội họa thực vật đòi hỏi tác phẩm phải chính xác về mặt khoa học trước, như khi vẽ một chiếc lá, thì hình dạng tổng thể của lá, số gân lá, bề mặt lá, hệ gân… phải chính xác như mẫu lá thật và giống trong tài liệu mô tả khoa học của loài. Sau khi chính xác về mặt khoa học thì phần “art” (tính nghệ thuật, sáng tạo) mới được nghệ sĩ thêm vào các góc độ thể hiện, chất liệu vẽ, kích thước giấy, kích thước hình vẽ… Hội họa thực vật bắt buộc không được xuất hiện các đồ vật do con người tạo ra như ly, tách, bình hoa…

Tin cùng chuyên mục