Tuy nhiên, phần lớn phân khúc thị trường vẫn tập trung vào tranh của các họa sĩ thuộc thế hệ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hội họa kháng chiến… Trong khi đó, tại các trường đào tạo mỹ thuật lại đang đặt ra nỗi lo lớn về thiếu hụt nhân lực tiếp nối nền tảng hội họa hàn lâm.
Thông tin từ các giám tuyển trong nước, năm 2023 chỉ có 3 sinh viên Khoa Hội họa ở Đại học Nghệ thuật Huế tốt nghiệp. Còn danh sách tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM hệ chính quy năm học 2021-2022 được đăng tải trên website của trường là 79 sinh viên, trong đó chỉ có 1 sinh viên điêu khắc, 4 sinh viên hội họa, còn lại đa phần tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa.
Ở đơn vị đào tạo mỹ thuật hàng đầu cả nước - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - lượng sinh viên ổn định qua các năm nhưng cũng không quá nhiều, chỉ tiêu hàng năm trường đào tạo khoảng 130 sinh viên, trong đó hội họa và điêu khắc có 45 người, số còn lại hầu hết chọn các ngành liên quan đến đồ họa, thiết kế mỹ thuật, thiết kế nội thất... Đây cũng là những ngành học dễ ứng dụng và có cơ hội việc làm cao hơn.
Có nhiều lý do để giải thích việc người trẻ không mạnh dạn theo đuổi hội họa hàn lâm nhưng lý do chính được nhắc đến là thị trường nghệ thuật trong nước hiện vẫn chưa có những bước căn cơ để kết nối cơ hội và hỗ trợ người thực hành.
Trong khi tác phẩm hội họa được biết đến như một cuộc chơi vương giả, đắt tiền với những cuộc gõ búa triệu USD thì nhiều năm trước chuyện sinh viên tốt nghiệp ngành hội họa cả chục năm chưa bán được một bức tranh cho tới nay vẫn là thực tế không mấy thay đổi. Bởi sự liên kết giữa phòng tranh - quỹ hỗ trợ nghệ thuật - không gian trưng bày nghệ thuật - không gian lưu trú, sáng tác… để hỗ trợ người thực hành sáng tạo gần như không có hoặc có thì rất yếu. Họa sĩ trẻ phải tự tìm cơ hội cho mình, chủ yếu từ các quỹ hỗ trợ nghệ thuật từ nước ngoài.
Các trại sáng tác trong nước cho họa sĩ trẻ đa phần do các hội nghề nghiệp tổ chức và quy định phải là hội viên thì mới được tham gia. Trong khi đó, cơ hội để trở thành hội viên các hội nghề nghiệp về mỹ thuật đối với sinh viên là rất khó vì tiêu chuẩn xét duyệt không dễ.
Chính những liên kết lỏng lẻo của thị trường hiện tại dẫn đến các họa sĩ trẻ không có nhiều cơ hội lưu trú thực hành hay tham gia các trại sáng tác. Từ đó, việc chất lượng tác phẩm không như kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu. Những ngày qua, dư luận vẫn không ngớt các ý kiến khen - chê về triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ sau chuyến đi sáng tác ở Hội An do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức.
Khách quan nhìn nhận thì việc đánh giá tác phẩm trong một trại sáng tác phải dựa trên nhiều yếu tố nhưng không thể phủ nhận cơ hội để họa sĩ trẻ, sinh viên các trường mỹ thuật tham gia trại sáng tác hay các quỹ hỗ trợ nghệ thuật hiện quá ít, vì thế cơ hội cọ xát thực tế cũng gần như đếm trên đầu ngón tay… Và khi lý thuyết nhiều hơn kinh nghiệm thực tiễn thì việc đòi hỏi chất lượng tác phẩm cao là chuyện ngoài tầm với.
Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật còn cảnh báo việc thiếu vắng nhân lực ngành hội họa hàn lâm sẽ dẫn đến càng khó hình thành đội ngũ giám tuyển có chuyên môn. Hiện các trường đào tạo mỹ thuật tại Việt Nam vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo giám tuyển, tuy nhiên điều này cũng không quá quan trọng bởi nhiều giám tuyển chuyên nghiệp trên thế giới xuất phát điểm của họ là các ngành học nghệ thuật khác nhau, trải qua quá trình thực hành, học tập và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức dần dần… Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi một sự am hiểu và nền tảng kiến thức cơ bản về mỹ thuật mà các ngành học khác khó có thể thay thế.
Để hội họa nước ta hội nhập sâu hơn, thị trường mỹ thuật nói chung cần tạo dựng được nền tảng từ cơ bản đến chuyên nghiệp, từ đó tạo ra động lực và sự hỗ trợ cần thiết cho những tài năng trẻ đương đại hôm nay mạnh dạn bước vào con đường sáng tạo đầy đặc thù, đôi khi rất đơn độc và cô độc này.